Phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 23/01/2024 05:21:55

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240123052356dt2-6.mp3

 

ĐTO - Định vị hình ảnh địa phương gắn với 6 trụ cột trọng tâm phát triển của tỉnh là chính quyền, du lịch, nông nghiệp, cơ hội đầu tư, cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp nhất quán, xây dựng thương hiệu Đồng Tháp với định vị rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo dựa trên những điều kiện kinh tế đặc thù, lợi thế, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên khác biệt.

 
Phấn đấu đến năm 2027, hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, trong đó có sản phẩm “Quýt hồng Lai Vung”

Phê duyệt Đề án phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh xác định, đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống nhận diện thương hiệu giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh, có biểu tượng, thông điệp quảng bá, biểu ngữ hình ảnh đại diện cho toàn hệ thống chính trị, biểu ngữ cổ động tuyên truyền trên toàn địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2027, hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: “Sen Tháp Mười”, “Xoài Cao Lãnh”, “Cá tra Hồng Ngự”, “Hoa Sa Đéc”, “Quýt hồng Lai Vung”, “Nhãn Châu Thành”... từ đó xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh và có cơ sở xúc tiến, quảng bá ra thị trường thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp trở thành điểm đến có thương hiệu mạnh của cả 6 trụ cột trọng tâm phát triển, có sức cạnh tranh lớn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển 4 không gian du lịch, gồm: Không gian du lịch Đất Sen Hồng, lấy vùng trung tâm TP Cao Lãnh làm động lực phát triển các hoạt động du lịch, văn hóa, kinh tế. Không gian du lịch Sắc màu vùng biên (gồm TP Hồng Ngự và 2 huyện Hồng Ngự, Tân Hồng), trọng tâm phát triển du lịch tại TP Hồng Ngự với các loại hình: du lịch chính quyền, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch MICE. Không gian du lịch thủ phủ hoa (gồm TP Sa Đéc và các huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành), lấy TP Sa Đéc làm trọng tâm kết nối trong phát triển du lịch nông nghiệp (du lịch miệt vườn, du lịch làng nghề), du lịch chính quyền, du lịch sinh thái tại TP Sa Đéc và du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực tại các huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Không gian du lịch Sen Tháp Mười (gồm các huyện: Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười) được xem là thủ phủ sinh thái - nông nghiệp cùng vùng dự trữ tự nhiên Đồng Tháp Mười sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch Gáo Giồng, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh gắn với Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít... Gắn với 13 loại hình du lịch theo thứ tự ưu tiên như: du lịch chính quyền, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, du lịch đêm, du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mua sắm và du lịch biên mậu.

Tỉnh Đồng Tháp cũng xác định 7 bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp là “Tui làm nông dân xứ Sen hồng”, “Kể chuyện nhà nông”, “Làng hoa Sa Đéc - Hương sắc trăm năm”, “Tháp Mười - Vương quốc sen hồng”, “Cao Lãnh - Xứ sở xoài”, “Lai Vung - Thế giới quýt hồng”, “Hồng Ngự - Thủ phủ cá tra”; 4 sản phẩm du lịch sinh thái là “Sân chim Đồng Tháp”, “Chèo thuyền và khám phá hệ sinh thái ngập nước”, “Du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu chuyên đề”, “Câu cá dã ngoại”; 4 sản phẩm du lịch văn hóa: trải nghiệm văn hóa Óc Eo tại Khu di tích Gò Tháp, “Khám phá Vương quốc Phù Nam về đêm”, trải nghiệm văn hóa Làng Hòa An kết hợp y học cổ truyền, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và trải nghiệm tham quan văn hóa tại các di tích lịch sử, văn hóa khác (đình làng, nhà cổ); 4 sản phẩm du lịch tâm linh: Khu di tích Gò Tháp, Khu du tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch văn hóa Phương Nam và một số điểm di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật khác.

Song song đó, tỉnh tập trung phát triển các loại hình về du lịch chính quyền, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch sông nước, du lịch “Trải nghiệm cuộc sống vượt thời gian”, Phố đi bộ và chợ đêm; dù lượn, tàu lướt, khinh khí cầu trên đồng cỏ; cắm trại cao cấp, đu dây... Đồng thời phát triển 3 tuyến du lịch nội vùng, 6 tuyến du lịch liên vùng và 2 tuyến du lịch quốc tế, gồm có tuyến đường bộ Đồng Tháp - Cửa khẩu Dinh Bà/Cửa khẩu Thường Phước - tỉnh PrâyVeng (Vương quốc Campuchia) và tuyến đường thủy TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Sa Đéc - Làng bè Bình Thạnh - Cồn Long Khánh - Cồn Chính Sách (tỉnh Đồng Tháp) - tỉnh An Giang - Vương quốc Campuchia.

Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng các thị trường truyền thống như: Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp, Anh... Đối với thị trường khách du lịch nội địa, duy trì các thị trường truyền thống gần từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nội vùng, các tỉnh Đông Nam Bộ... Tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ đồng bộ cả về chất lượng và số lượng. Định hướng phát triển nguồn nhân lực, nhất là các chương trình đào tạo tại chỗ, đào tạo lại, kết hợp tập huấn đào tạo ngắn hạn. Phát triển các lễ hội Festival Hoa - Kiểng, Lễ hội Sen, Lễ hội Gò Tháp, Lễ hội Xoài, Lễ hội Cá tra... Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, nhất là các thị trường trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng tiếp thị trực tuyến trong xúc tiến du lịch, tăng cường hoạt động du lịch thông minh; nghiên cứu xây dựng các sàn giao dịch trực tuyến, tổ chức các sự kiện, lễ hội đặc trưng, đăng cai các diễn đàn, hội nghị... để tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến với Đồng Tháp.

Phú Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn