Đồng Tháp quan tâm gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 18/10/2022 05:51:21
ĐTO - Để cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời tổ chức triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Người dân trên địa bàn huyện Lai Vung chuyển diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao
Tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung trọng tâm là “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”, chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác, sử dụng hiệu quả nguồn nước. Nhiều mô hình chuyển đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai và có kết quả bước đầu như: mô hình “lúa - cá”, “lúa - tôm”, “lúa - sen”; “chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái” mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Đáng ghi nhận, trên địa bàn tỉnh có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch mở ra hướng tiếp cận mới cho nông nghiệp thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển theo hướng bền vững một số ngành hàng theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn, gắn truy xuất nguồn gốc. Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp năm 2021 đạt hơn 45.500 tỷ đồng, quy mô tăng 1,3 lần so với năm 2015.
Thông qua triển khai Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh được củng cố, đổi mới và có bước phát triển khá nhanh, đóng vai trò chính trong gia tăng chuỗi giá trị ngành hàng, quy mô ngành công nghiệp ngày càng mở rộng, có thêm nhiều sản phẩm mới. Cơ cấu sản xuất nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, nâng dần tỷ lệ tinh chế trong sản phẩm, gia tăng giá trị ngành hàng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Điển hình là nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chiết xuất tinh dầu cám gạo; chiết xuất tinh chất từ cây sen để sản xuất sản phẩm cao cấp trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 68.000 tỷ đồng (tăng 18.200 tỷ đồng) so với năm 2016. Các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá, trong đó, công nghiệp chế biến (chế biến thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến lương thực...) chiếm tỷ trọng lớn. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy 3 khu công nghiệp đạt trên 99% và tỷ lệ lấp đầy 12 cụm công nghiệp đạt trên 79%.
Hoạt động thương mại - dịch vụ duy trì phát triển khá, tăng trưởng bình quân 6,17%/năm, là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (chiếm khoảng 45%), có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn tăng trưởng chung. Tỉnh tập trung tái cơ cấu ngành dịch vụ, phát triển các ngành có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế của địa phương như: Bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế, vận tải, logistics... cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội và phát triển kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa của tỉnh có mức tăng trưởng tốt với hai mặt hàng chủ lực là gạo, thủy sản chế biến và một số mặt hàng mới (sản phẩm ngành may, bánh phồng, bánh kẹo, ngũ cốc...). Giá trị xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất) đạt 1 tỷ USD vào năm 2018 và đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng 1,35 lần so với năm 2015. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đồng Tháp có nhiều đổi mới tư duy về điều hành phát triển kinh tế theo quy luật thị trường, nhất là trong công tác quy hoạch. Hoàn thiện các công cụ hoạch định và quản lý đối với phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực để quyết định đầu tư và kêu gọi đầu tư: Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp phục vụ xây dựng định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025; rà soát và điều chỉnh các quy hoạch cấp tỉnh (quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn; quy hoạch phát triển ngành thương mại; quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; quy hoạch phát triển vận tải...) theo hướng tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, hướng đến cân đối, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho từng ngành, lĩnh vực, tránh sự chồng chéo, trong quá trình triển khai thực hiện sau khi quy hoạch được duyệt.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu, tỉnh tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về môi trường trên địa bàn được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng thông qua các công trình, phần việc thiết thực. Công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, do đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng của các cơ sở, doanh nghiệp.
|
DŨNG CHINH