Huyện Cao Lãnh - Quan tâm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 27/05/2021 06:18:27
ĐTO - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Cao Lãnh có nhiều chuyển biến tích cực. Địa phương mở được 134 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 3.240 học viên tham gia, đã giới thiệu việc làm cho 19.589 lượt lao động. Đồng thời thông qua thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện lồng ghép với các chương trình; dự án lớn của tỉnh; Chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm, giảm nghèo; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,1%/năm. Cụ thể: năm 2018, huyện Cao Lãnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,13% (2.200 hộ nghèo), năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,57% (1.403 hộ nghèo)...
Người dân trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh áp dụng nuôi cá diêu hồng theo hướng an toàn sau khi tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nuôi trồng thủy sản
Ngoài ra, UBND huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo đưa lao động tham gia Sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng do tỉnh tổ chức. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với nước được quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời và đúng theo quy định. Địa phương đã bàn giao, đưa vào sử dụng 761 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Các hoạt động cứu trợ xã hội, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, nhất là triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ.
Nhằm cụ thể hóa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn trong thời gian tới, UBND huyện Cao Lãnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề nông nghiệp với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm,... Đặc biệt, không tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khi chưa xác định được nơi làm việc, mức thu nhập và việc làm sau khóa học.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cao Lãnh dự kiến đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.110 lao động nông thôn (trồng trọt 630 lao động/21 lớp; chăn nuôi 240 lao động/8 lớp, thủy sản 240 lao động/8 lớp. Phấn đấu hàng năm, mở ít nhất 6 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đến năm 2025 đạt 80% (qua đào tạo nghề đạt 60%). UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của việc học nghề đối với tạo việc làm, từng bước thay đổi nhận thức của người dân và tích cực tham gia học nghề.
UBND huyện Cao Lãnh cũng giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo nghề nông thôn phù hợp với thực tế của địa phương; xây dựng kế hoạch dạy nghề hàng năm cũng như kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; phân bổ kinh phí đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đúng quy định; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kế hoạch đào tạo nghề để lao động nông thôn biết, tiếp cận, lựa chọn và đăng ký học nghề, tạo việc làm ổn định.
DŨNG CHINH