Tam Nông tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác
Cập nhật ngày: 15/07/2021 05:59:19
ĐTO - Qua triển khai cụ thể hóa Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) cho thấy hoạt động KTTT trên địa bàn huyện Tam Nông từng bước được củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả, nhất là chuyển biến tích cực về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động. Khu vực hợp tác xã (HTX) đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Áp dụng cơ giới hóa góp phần giảm thất thoát trong thu hoạch lúa ở các Hợp tác xã trên địa bàn huyện Tam Nông
Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Nông đã xây dựng kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn. Đồng thời giao UBND huyện chỉ đạo củng cố, nâng cao phát triển KTTT, đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và phân công cho từng ngành chuyên môn huyện và các xã, thị trấn tổ chức thực hiện, nhất là quan tâm đến chính sách hỗ trợ HTX. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 2 HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012, nâng tổng số HTX trên địa bàn huyện là 35 HTX. Trong đó có 31 HTX nông nghiệp, 4 HTX phi nông nghiệp. Nhìn chung, các HTX thành lập xuất phát từ nhu cầu tổ chức lại sản xuất của người dân; giúp giảm chi phí, thuận lợi trong tiếp cận thị trường đầu vào, đầu ra, hỗ trợ giảm giá thành trong sản xuất, mang lợi nhuận cao hơn làm tăng thu nhập cho nông dân. Tất cả các HTX đã hoàn thành dứt điểm việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 theo quy định.
Địa phương củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động 25 HTX nông nghiệp, qua đó từng bước cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt củng cố lại Hội đồng quản trị, kiểm soát đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, báo cáo tài chính hàng năm được khắc phục, công khai, dân chủ. Bên cạnh đó, các HTX đã chủ động trong việc xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngay từ đầu năm, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động. Hiện có 7 HTX ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho thành viên. Ngoài ra, 4 HTX phi nông nghiệp thì 2 HTX Cơ giới công trình và HTX Vận tải thủy bộ là hoạt động có hiệu quả cao nhất. Hầu hết các HTX đều tổ chức một bộ máy quản lý thực hiện hai chức năng vừa quản lý vừa điều hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Hội đồng quản trị từ 3-5 người, kiểm soát từ 1-2 người, cán bộ chuyên môn từ 2-4 người và đội sản xuất từ 3-6 người. Ngoài ra, HTX còn bố trí thêm các lao động làm dịch vụ thời vụ như lao động vận hành máy, thủy nông... tùy vào mức độ hoạt động dịch vụ của từng HTX.
Tổng số vốn điều lệ của 35 HTX đã đăng ký và được Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số hơn 101 tỷ đồng. Mức góp vốn tối thiểu của thành viên được tính theo diện tích mà thành viên giao cho HTX phục vụ bơm tưới hoặc theo cổ phần thành viên tùy theo quy định của Điều lệ từng HTX (vốn góp tối thiểu từ 50 ngàn đồng đến 1 triệu đồng). Tổng số vốn góp gần 52 tỷ đồng với 4.654 hộ tham gia góp vốn. Tổng diện tích sản xuất thành viên giao cho HTX bơm tưới là 11.051ha (chiếm 82,06%) diện tích sản xuất trong vùng HTX quản lý (chiếm 42,08%) diện tích canh tác của huyện. HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long) là 2 trong số 9 HTX được tỉnh chọn thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.
Huyện Tam Nông cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đã cử cán bộ đi tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ quản lý HTX ở 3 chức danh (giám đốc, kiểm soát, kế toán) từ 5 ngày đến dưới 1 tháng với tổng số 76 người. Có 205 lượt cán bộ quản lý tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Chi cục Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tổ chức; nguồn kinh phí do tỉnh hỗ trợ 100%. Tuy nhiên các HTX chưa tiếp cận được chương trình đào tạo dài hạn về quản lý HTX. Ngoài ra, hằng năm, huyện phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, nhận thức và năng lực cho cán bộ quản lý HTX.
Thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc ở HTX có thời hạn để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua đó đã có 15 người về HTX làm việc ở các chức danh: Phó Giám đốc, kế toán, cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Do vậy, địa phương đã tích cực thực hiện quy trình sản xuất và được cấp giấy chứng nhận lúa VietGAP với diện tích 100ha.
DŨNG CHINH