Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và đời sống ngày càng rộng rãi
Cập nhật ngày: 17/01/2022 10:25:20
ĐTO - Mục tiêu của việc chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đời sống vật chật, tinh thần của người dân Đất Sen hồng.
Ứng dụng thiết bị điều khiển từ xa trong việc bơm tưới nước tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười)
Thời gian qua, tỉnh đã từng bước đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được triển khai ở tất cả các cơ quan hành chính, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và đời sống ngày càng rộng rãi, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng lên. Tỉnh được xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố của cả nước, đứng thứ 2/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong xây dựng chính quyền điện tử chưa có nhiều đột phá, người dân ít tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và đời sống vật chật, tinh thần của người dân Đất Sen hồng, Tỉnh ủy vừa có Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, tỉnh xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, làm thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân, là con đường ngắn nhất để đưa tỉnh đi lên hiện đại và thịnh vượng, nhất là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tỉnh lựa chọn nông nghiệp, giáo dục, y tế là 3 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu để tập trung thực hiện chuyển đổi số.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy nông dân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Áp dụng các chương trình, phần mềm, thiết bị Internet vạn vật nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón), kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, Big Data giúp phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của cây trồng, vật nuôi.
Trong lĩnh vực y tế cũng chú trọng xây dựng hệ thống thông tin điều hành y tế thông minh ngành y tế, triển khai bệnh án điện tử cho các cơ sở y tế và mô hình tuyển y tế, bệnh viện thông minh ở các bệnh viện cấp 1 nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị, ngăn ngừa dịch bệnh, từng bước tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế giữa khu vực vực nông thôn và thành thị. Đến năm 2025, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và đến năm 2030, 100% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời xem chuyển đổi số là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn. Đưa nội dung phát triển công nghệ số, kinh tế số vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050...
NGỌC TÂM