Chuẩn bị điều kiện bảo đảm tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023
Cập nhật ngày: 27/05/2023 07:20:10
ĐTO - Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023 tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Kỳ thi tỉnh), kỳ thi diễn ra từ ngày 27 đến 30/6/2023, trong đó, ngày 27/6 thí sinh làm thủ tục dự thi, ngày 28 và 29/6 thi chính thức, ngày 30/6 là ngày dự phòng.
Lịch thời gian làm thủ tục và làm bài thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tỉnh Đồng Tháp
Dự kiến thí sinh đăng ký dự thi là 15.672 thí sinh, trong đó, hệ THPT 13.756 thí sinh, hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) 1.481 thí sinh và 435 thí sinh tự do. Tỉnh tổ chức 1 Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì dành cho tất cả thí sinh của tỉnh; dự kiến tổ chức 35 điểm thi, với 670 phòng thi. Các điểm thi đặt tại các trường THPT, trung học cơ sở (THCS), Trung tâm GDTX ở 12 huyện, thành phố. Hằng ngày, đề thi được Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi giao trực tiếp đến các điểm thi trước 6 giờ sáng. Nhận bài thi vào buổi chiều sau khi kết thúc buổi thi…
Ban Chỉ đạo Kỳ thi tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi để thực hiện các công việc của kỳ thi; bố trí các điểm thi thuận lợi cho thí sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục được bố trí đặt điểm thi bảo đảm có đủ cơ sở vật chất, phòng thi và các đồ dùng cần thiết, trang thiết bị phục vụ kỳ thi; thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm phục vụ cho kỳ thi, công tác chuẩn bị thi của các cơ sở giáo dục và xét công nhận tốt nghiệp THPT trên địa bàn; chuẩn bị cơ sở vật chất cho đơn vị chủ trì chấm thi.
Phổ biến rộng rãi đến cán bộ, giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, cha, mẹ học sinh về Quy chế thi, Quy chế tuyển sinh và các quy định, hướng dẫn liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Đồng Tháp, bảo đảm tất cả cán bộ, giáo viên và thí sinh nắm vững Quy chế thi khi tham gia kỳ thi. Chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi, hướng dẫn học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên tham gia thu hồ sơ, cách ghi phiếu đăng ký dự thi, nhập dữ liệu thi. Tổ chức kiểm tra chéo giữa các trường, đơn vị để bảo đảm hồ sơ thí sinh dự thi, dữ liệu thi đăng nhập được chính xác. Gửi dữ liệu đăng ký dự thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng yêu cầu thời gian.
Thực hiện nghiêm nội dung chương trình dạy học theo khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; tổ chức ôn tập chu đáo, hiệu quả cho học sinh. Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình, ép buộc học sinh học thêm không đúng quy định; không để phát sinh các tiêu cực trong thi cử; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức ôn luyện cho học sinh, học viên lớp 12. Chỉ đạo các Trường THPT, Trung tâm GDTX, tăng cường công tác ôn tập cho học sinh, học viên, tạo điều kiện để học sinh, học viên củng cố kiến thức và rèn kỹ năng vận dụng.
Phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định; chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất, khai báo y tế, quản lý thí sinh có biểu hiện bệnh trong các buổi thi; chuẩn bị các phương án thi nếu phát sinh trường hợp thí sinh có các biểu hiện bệnh, bị bệnh dự thi theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo.
Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo và bố trí các điểm thi bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác bảo vệ, an ninh trật tự tại các điểm thi. Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, UBND huyện, thành phố và các đơn vị liên quan hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi; không để thí sinh phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại khó khăn. Lập dự toán tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
UBND huyện, thành phố phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan tổ chức kỳ thi trên địa bàn bảo đảm an toàn, đúng quy chế; bố trí nơi ăn, nghỉ cho thí sinh và người nhà thí sinh phù hợp; tổ chức đội ngũ tình nguyện viên, hỗ trợ, bảo đảm an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và người nhà thí sinh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lựa chọn các trường THPT, THCS, Trung tâm GDTX có cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ kỳ thi làm điểm thi; kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi ở các đơn vị được lựa chọn bố trí đặt điểm thi trên địa bàn.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố chuẩn bị các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh; có phương án hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đề phòng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các điểm thi trên toàn Tỉnh; chỉ đạo các đơn vị cử đơn nguyên cấp cứu đến các điểm thi để làm nhiệm vụ; chuẩn bị xe cấp cứu ở các điểm thi theo đề nghị của Hội đồng thi.
Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; cử các thành viên tham gia các ban của Hội đồng thi theo đúng Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Sở Tài chính hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo lập dự toán kinh phí, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phục vụ kỳ thi theo đúng quy định hiện hành.
Các sở, ban, ngành tỉnh và tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Chỉ đạo Kỳ thi tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Kỳ thi tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
NP