Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đồng hành với học sinh khó khăn

Cập nhật ngày: 07/10/2021 10:50:45

ĐTO - Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, cấp ủy, chính quyền các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các sở, ngành, doanh nghiệp đã hỗ trợ kịp thời cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) trong toàn tỉnh qua việc vận động, quyên góp, ủng hộ, trao tặng thiết bị học tập trực truyến, gói truy cập ưu đãi, đường truyền tốc độ cao..., các hoạt động hỗ trợ kịp thời giúp GV, HS tham gia tốt việc dạy và học trong năm học mới.


Học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1, huyện Cao Lãnh có hoàn cảnh khó khăn được nhận thiết bị hỗ trợ

Đến ngày 4/10, thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tập thể VNPT Đồng Tháp đã triển khai hàng loạt các chương trình đồng hành cùng với ngành GD&ĐT để đảm bảo việc dạy của GV và việc học trực tuyến của HS trong năm học 2021-2022. Theo đó, VNPT Đồng Tháp đã triển khai đến các đơn vị huyện, thành phố trong tỉnh các gói cước ưu đãi dành cho GV, HS với hệ thống đường truyền tốc độ cao, chính sách gọi nội mạng, tốc độ truy cập 3G, 4G và cung cấp sim tận nơi... Trong năm học 2021-2022, phần mềm VnEdu tiếp tục được thực hiện tại các trường trong công tác quản lý, điều hành, giảng dạy trực tuyến và phần mềm phát triển ứng dụng trên nhiều thiết bị di động, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng đảm bảo kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GD&ĐT. Đến nay, VNPT Đồng Tháp tạo cơ sở dữ liệu thống nhất toàn ngành GD&ĐT để phục vụ công tác khai thác, thống kê, phân tích số liệu làm cơ sở đề xuất, những hoạch định, chiến lược phát triển giáo dục phù hợp; giám sát hiệu quả tình hình học tập, rèn luyện của HS các khối lớp. Đến nay, 100% các đơn vị trường đã thực hiện việc kết nối hệ thống dữ liệu thành công.

Cùng chia sẻ với HS tại các đơn vị trường trong toàn tỉnh, Trung tâm Kinh doanh VNPT Đồng Tháp đã hỗ trợ 300 triệu đồng giúp đỡ các em HS có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài hoạt động của VNPT Đồng Tháp, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Sở GD&ĐT tiến hành khảo sát hệ thống đường truyền kết nối trong giảng dạy tại các đơn vị trường THCS, THPT trong toàn tỉnh. Qua khảo sát đã đánh giá hiện trạng, thuận lợi kịp thời giải quyết những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến. UBND các huyện, thành phố đã phát động các hoạt động hưởng ứng tích cực chương trình. Tại huyện Tháp Mười, cán bộ, công chức, viên chức từ nhiều nguồn đã ủng hộ hơn 250 thiết bị học trực tuyến tặng cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ với HS khó khăn, đặc biệt là HS huyện biên giới, đại diện lãnh đạo Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã trao tặng 2 máy tính đến HS có hoàn cảnh khó khăn tại Trường THCS Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự.

Tại các đơn vị trường THCS, THPT, Ban giám hiệu nhà trường đã vận động từ nhiều nguồn và chuyển các thiết bị đến các em HS khối 9 và khối 12 để phục vụ cho việc học tập của các em. Được nhận thiết bị hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, em Trương Hoài Đức – HS lớp 8A6 Trường THCS Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự xúc động cho biết: “Gia đình em rất khó khăn, ba em chạy xe ôm, những ngày dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ba em thất nghiệp nên không có tiền mua máy điện thoại cho em học. Khi nhận được điện thoại do nhà trường vận động tặng, em rất mừng, em xin cảm ơn và sẽ cố gắng học tập tốt để không phụ lòng thầy, cô và mọi người đã giúp đỡ cho em...”.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, đến ngày 2/10, Sở GD&ĐT tiếp nhận kinh phí đóng góp cho chương trình Sóng và máy tính cho em từ 50 đơn vị, cá nhân đóng góp hỗ trợ, qua đó đã hỗ trợ đến 2.071 HS, đảm bảo 100% HS lớp 12 có thiết bị học trực tuyến. Hiện Sở GD&ĐT cùng các ngành liên quan đang thực hiện thủ tục mua khoảng 1.094 thiết bị, phấn đấu đến ngày 10/10/2021, 100% HS lớp 9, 10, 11 có thiết bị học trực tuyến. Trong tháng 10/2021, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng VNPT Đồng Tháp tiến hành tập huấn chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ quản lý, GV, kỹ thuật viên vận hành hệ thống đối với các cấp học, ngành học về phương pháp giảng dạy online hiệu quả, cách sử dụng và quản lý hệ thống, thống nhất xây dựng các chuyên đề, chủ đề giảng dạy theo tinh thần rút ngắn chương trình từ Bộ GD&ĐT. Cập nhật các nội dung chương trình khóa học với các chương mục và học liệu, bài giảng, bài tập về nhà; thêm học viên vào khóa học, thêm tài liệu, tạo chatroom; quản lý tiến độ học tập, xem bài tập, chấm điểm.

Đồng thời khuyến khích các đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường vận động các nguồn xã hội hóa, hỗ trợ đối với HS các khối lớp, chăm lo các đối tượng HS có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình dạy và học. Ban giám hiệu nhà trường chủ động tham mưu UBND xã, thị trấn phối hợp các ban, ngành địa phương, Hội Khuyến học các cấp tiếp tục rà soát và lập danh sách cụ thể từng HS chưa có thiết bị, phương tiện tham gia học trực tuyến để có kế hoạch phối hợp địa phương vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời thiết bị học tập cho HS có hoàn cảnh khó khăn.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn