Cơ hội tốt để giáo viên, học sinh tiếp cận phương pháp dạy, học mới

Cập nhật ngày: 10/12/2024 05:07:21

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241210050916dt2-4.mp3

 

ĐTO - Năm 2024, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai, thực hiện các Dự án (DA) nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) các ngành học, cấp học phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, DA “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam tại các trường Mầm non, Tiểu học thuộc huyện Tháp Mười giai đoạn 2022 - 2024” (viết tắt là DA) đã mang lại cơ hội tốt và hiệu quả tích cực cho CBQL, GV, học sinh (HS), phụ huynh.


Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (thứ 3, từ phải sang) cùng các thành viên, chuyên gia, đại diện Tổ chức SCI xem các sản phẩm của dự án

Đa dạng các hoạt động

Từ tháng 1/2023 đến tháng 11/2024, Sở GD&ĐT và Tổ chức Save the Children International (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) tại Việt Nam (Tổ chức SCI), UBND huyện Tháp Mười triển khai, thực hiện DA tại 20 trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn huyện. DA góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, tạo cơ hội cho HS phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết, phù hợp với mục tiêu Chương trình giáo dục Mầm non và phổ thông 2018.

Ban Quản lý DA tỉnh đã tổ chức hội thảo, chính sách an toàn cho trẻ em với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành có liên quan, đại diện Tổ chức SCI và các đơn vị trường tham gia DA. Trong đó, thông tin về chính sách bảo vệ trẻ em; tổng quan về DA, nêu rõ đối tượng hưởng lợi; mục tiêu, các hoạt động chính của DA. Các CBQL, GV được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng 4 mô - đun gồm: bình đẳng giới; tập huấn về kiến thức, kỹ năng và thực hành của người chăm sóc về ELM (phương thức hỗ trợ trẻ Mầm non làm quen với đọc, viết và toán) và chương trình tin nhắn, chia sẻ để thúc đẩy rộng rãi sự hỗ trợ của người chăm sóc đối với việc học của trẻ.

Tại huyện Tháp Mười, 10 trường Mầm non và 10 trường Tiểu học tham gia DA và được đại diện Tổ chức SCI, Ban Quản lý DA triển khai tập huấn xây dựng mô hình cha mẹ hỗ trợ trẻ em học tại nhà thông qua hoạt động chia sẻ kiến thức, kỹ năng bằng tin nhắn. Theo đó, 100% các trường tham gia DA đều triển khai thực hiện chương trình tin nhắn cho cha mẹ HS, người hỗ trợ chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhà. Ban Giám hiệu các trường tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền đến phụ huynh HS về mục đích, nội dung, ý nghĩa và cách thực hiện của chương trình tin nhắn. Đồng thời tạo nhóm Zalo của trường, của lớp gửi tin nhắn đến phụ huynh theo quy định. Ngoài ra, CBQL, GV xây dựng kịch bản phát triển video cho tin nhắn; tập huấn sử dụng App “Vui đọc cùng con” do Tổ chức SCI xây dựng và phát triển. Từ tháng 3/2023 đến tháng 10/2024, chương trình tin nhắn được Ban Giám hiệu, GV gửi cho phụ huynh bằng nhiều hình thức như: gửi qua Zalo của nhóm lớp, gọi điện và gặp trực tiếp để hướng dẫn phụ huynh. Ngoài ra, giáo viên còn in tin nhắn ra giấy gửi về phụ huynh xem và hướng dẫn người thân, hàng xóm có con học chung cùng xem.

Thông qua các lớp tập huấn do Tổ chức SCI hướng dẫn, GV đã tự viết kịch bản, xây dựng video phát triển chương trình tin nhắn để chia sẻ với phụ huynh các phương pháp chơi và học cùng con tại nhà. Mỗi trường đã xây dựng được 5 video để cập nhật vào kế hoạch chương trình tin nhắn. Mỗi ngành, cấp học có 50 video được phát triển. HS được GV, gia đình quan tâm, chăm sóc, tạo môi trường phát triển tốt, toàn diện. Các em tích cực, hứng thú hơn trong các hoạt động ở trường, ở nhà; biết chủ động hơn trong việc chuẩn bị các nội dung học tập; biết chuẩn bị dụng cụ học tập trước khi đi học. Ngoài ra, HS được tham gia hoạt động học bằng các hình thức cá nhân, cặp đôi, nhóm, lớp. GV có nhiều biện pháp dạy học phù hợp với từng nhóm HS giúp giờ học trở nên nhẹ nhàng, HS vui vẻ tham gia các hoạt động học tập và đạt kết quả cao.


Giáo viên tham gia dự án nghiên cứu sản phẩm được giáo viên, phụ huynh, học sinh các trường thực hiện

Nâng cao năng lực, kỹ năng

Đối với đội ngũ CBQL các đơn vị trường, khi tham gia DA có nhiều cơ hội tiếp cận kỹ năng, tương tác trực tiếp cùng các chuyên gia. Cô Bùi Thúy Diễm - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ An, huyện Tháp Mười, chia sẻ: “Trong 2 năm qua, chúng tôi đã tham gia các hoạt động của DA như: Chương trình gửi tin nhắn cho người chăm sóc trẻ; sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; nâng cao năng lực cho GV trong tổ chức hoạt động làm quen với chữ cái và toán, năng lực quan sát, tương tác cùng trẻ. Chúng tôi còn được Ban Quản lý DA trang bị tài liệu hướng dẫn, sách, tranh truyện; bàn, ghế, kệ trang bị góc thư viện cho trẻ. CBQL, GV được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc quay video bài học minh họa; tổ chức phòng họp trực tuyến và chia sẻ thông tin trên Padlet. Buổi sinh hoạt chuyên môn luôn  sinh động, sôi nổi và thu thập được nhiều bài học kinh nghiệm khác nhau từ các thành viên trong Tổ; nâng cao năng lực tổ chức lớp; khai thác đồ dùng, đồ chơi đạt hiệu quả trong hoạt động giáo dục. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động từ DA để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại đơn vị”.

Cô Hồ Kiều Dương - giáo viên Trường Mầm non Mỹ Quý 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, cho biết: “Đồng hành xuyên suốt cùng DA tại huyện Tháp Mười, được sự quan tâm tạo điều kiện của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười, Trường Mầm non Mỹ Quý 2, tôi được tham gia rất nhiều lớp tập huấn, mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn là một buổi tập huấn mini online. Điều đó giúp tôi không còn gặp áp lực khi làm đồ dùng phục vụ giảng dạy. Đặc biệt, chúng tôi còn được sự hỗ trợ, tham gia của trẻ, phụ huynh. Có thể những đồ dùng dạy học được làm không quá đẹp và xuất sắc nhưng chúng tôi cùng làm, sử dụng là điều mà trẻ cảm thấy thích thú. Tôi sẽ tiếp tục áp dụng những điều được học vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ; chia sẻ kiến thức cùng đồng nghiệp góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn ngày một tốt hơn”.

Cùng tham gia DA, chị Trần Thị Diễm Mi ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, chia sẻ: “Là phụ huynh có con học nhóm nhà trẻ tại Trường Mầm non Phú Điền - là một trong những trường được huyện chọn và thực hiện chương trình của DA. Ngay từ khi khởi động DA, Ban Giám hiệu nhà trường và GV tuyên truyền đến phụ huynh về thực hiện chương trình tin nhắn thông qua các buổi họp phụ huynh, bảng tuyên truyền của trường, của lớp. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của GV chủ nhiệm, tôi đã quen dần với chương trình tin nhắn khi cô giáo gửi lên nhóm Zalo của lớp. Từ đó, tôi đồng hành cùng chương trình, thường xuyên xem video giáo dục của GV và tương tác trên nhóm khi GV yêu cầu; chơi cùng con tại nhà thường xuyên hơn...”.


Anh Lê Văn Lực (ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) cùng con tham gia hoạt động học tập tại nhà

Anh Lê Văn Lực ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, cho biết: “Tôi là nông dân, trước giờ không biết nhiều các phương pháp tương tác cùng con, khi được các GV hướng dẫn, tiếp cận các phương pháp, tôi dành nhiều thời gian trao đổi bài vở, hoạt động kiểm tra trên lớp của con hàng ngày. Tôi rất vui khi học hỏi được nhiều điều hay và quan tâm, chia sẻ với con nhiều hơn, động viên con cố gắng hơn trong học tập. DA đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho người dân nông thôn như tôi và các phụ huynh khác”.

Theo Sở GD&ĐT, các hoạt động của DA đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, tác động lớn đến việc cải thiện môi trường giáo dục của nhà trường, của HS. Từ đó, nâng cao kết quả học tập, giúp trẻ em được tiếp cận với những chương trình giáo dục mới, tiên tiến. Đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực của đội ngũ CBQL, mang lại sự chuyển biến và thay đổi tích cực đối với GV trong giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường tham gia DA, phát triển GD&ĐT huyện Tháp Mười theo hướng toàn diện, hiện đại.

L.Thanh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn