Đầu tư cho các chương trình ngoại ngữ

Cập nhật ngày: 28/04/2014 03:46:22

Năm học 2013-2014, ngành giáo dục thực hiện lộ trình đầu tư cho môn học ngoại ngữ, từng bước trang bị kiến thức ngoại ngữ cơ bản cho các học sinh (HS) muốn thi vào các khối thi có ngoại ngữ, dự thi ở các kỳ thi khu vực, quốc gia, xa hơn là đi du học nước ngoài.


Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Quang Diêu
nghiên cứu điều kiện Anh văn tham gia đăng ký du học

Thực tế việc học ngoại ngữ là cả một quá trình tổng hợp, tích lũy, rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Do điều kiện của các trường THCS, THPT, tiểu học trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn khó khăn, nên chưa hấp dẫn nhiều HS đến với môn học này. Ngoài giờ học ở trường, việc học thêm ngoại ngữ rất hạn chế. Nhiều người xem ngoại ngữ là môn phụ nên cho con theo học chương trình phổ thông, chỉ một vài phụ huynh có ý định cho con em du học thì mới tạo điều kiện cho con đào sâu môn học.

Tháo gỡ những khó khăn trong việc giảng dạy và học ngoại ngữ, năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trung tâm giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho giáo viên THCS, tiểu học tại các trường theo khung chuẩn Châu Âu giúp các thầy cô hoàn thiện thêm kỹ năng giảng dạy. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT còn đưa vào thí điểm các chương trình ngoại ngữ từ cấp tiểu học.

TP.Cao Lãnh được chọn thực hiện chương trình thí điểm Tiếng Anh 4 tiết/tuần cho HS khối lớp 3, 4, 5. Có 3/31 trường thực hiện dạy thí điểm tiếng Anh gồm Tiểu học Lê Quý Đôn, Tiểu học Bùi Thị Xuân và Tiểu học Thực hành Sư phạm với 472 HS tham gia chương trình học, 7 giáo viên đạt trình độ B1 và B2 theo khung tham chiếu Châu Âu trực tiếp giảng dạy. Đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn sư phạm và kỹ năng, đã khơi gợi tính tò mò, ham học hỏi của HS tiểu học trong từng tiết học tiếng Anh. Cả 3 trường dạy thí điểm, Sở GD&ĐT ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất rèn các kỹ năng tiếng Anh. Phòng GD&ĐT thành phố tổ chức các buổi thao giảng tổ để giáo viên học hỏi, chia sẻ các kỹ thuật trong giảng dạy hay điều chỉnh các phương pháp cho phù hợp với lứa tuổi các em.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn tổ chức nhiều khóa tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học tiên tiến do các chuyên gia đến từ Đại học Oxford (Anh) và Hội đồng Anh tại Việt Nam. Các HS được tiếp cận với nguồn sách giáo khoa tốt, nguồn học liệu mở trên Internet của Đại học Oxford, tham gia các lớp học thí điểm truy câp các trang web để các em có thể tự học và vui chơi thông qua các trò chơi tiếng Anh tại nhà như www.learninggamesforkids.com, learnenglishkids.britishcouncil.org, IOE.go.vn. Qua kiểm tra, trong 472 HS học thí điểm, có 365 HS xếp loại giỏi cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; 74 em xếp loại khá; 33 em xếp loại trung bình, không có học sinh xếp loại yếu.

Ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Đối với ngoại ngữ không thể học một lúc mà giỏi, đạt kết quả tốt ngay, mà phải thực hiện từng bước. Vì vậy, trước mắt là chương trình đào tạo tiếng Anh thí điểm tại các trường tiểu học, sắp tới là chương trình song ngữ học với người bản xứ như một sự khởi đầu, làm nền tảng cho thời gian sau. Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng trong toàn tỉnh...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn