Đề thi đại học sẽ tăng câu hỏi mở
Cập nhật ngày: 10/06/2014 07:19:45
Sau khi được “tập dượt” với cách ra đề mới ở những bài thi tốt nghiệp THPT, những thí sinh tham dự kỳ thi đại học sẽ phải trải qua một kỳ thi khó khăn hơn để có chỗ trên giảng đường.
Tăng cường câu hỏi mở
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “ba chung” của năm 2014 vẫn giữ ổn định như năm trước và tiếp tục ra theo hướng tăng cường câu hỏi mở”.
Ảnh minh họa: Văn Chung
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ ra theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
Theo ông Nghĩa, đề thi tự luận của các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa sẽ tăng cường đề thi mở, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc. Đề thi trắc nghiệm sẽ bổ sung, cải tiến hình thức câu trắc nghiệm để giảm thiểu khả năng đoán mò của thí sinh.
Với các môn khoa học tự nhiên cũng định hướng tăng cường các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
So sánh với các đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa diễn ra, theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, đối với đề thi ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ phát huy những đổi mới đã được xã hội đánh giá cao trong những mùa thi trước đây, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Tuy nhiên, do tính chất của kỳ thi, nên đề thi ĐH sẽ có độ phân hóa cao hơn đề thi tốt nghiệp. Các thí sinh cần nắm chắc kiến thức phổ thông để vận dụng vào thực tiễn, không phải lo học thuộc quá nhiều.
Bốc thăm chọn chủ đề môn xã hội
Trước việc thí sinh “đoán” vấn đề thời sự nóng có khả năng được đưa vào các câu hỏi mở trong đề thi môn xã hội, lãnh đạo Cục Khảo thí cho biết, để đảm bảo bí mật của việc ra đề thi, bảo mật đề thi, việc biên soạn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức tại một địa điểm biệt lập, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy trình: Trưởng ban Đề thi tổ chức quán triệt các yêu cầu về nội dung đề thi, quy trình làm đề thi, yêu cầu bảo mật cho các Trưởng môn thi và các cán bộ tham gia biên soạn đề thi.
Trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm. Đối với một số môn khoa học xã hội, phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn.
Trưởng môn thi làm việc với từng cán bộ biên soạn đề thi để hoàn chỉnh đề thi, đáp án và thang điểm.
Tổ chức phản biện với 3 người làm bài độc lập. Người làm phản biện không tiếp xúc với người ra đề thi, không mang theo bất kỳ tài liệu nào, không có đáp án và thang điểm, trực tiếp giải chi tiết đề thi (có bấm giờ). Sau đó, đề xuất ý kiến bằng văn bản với Trưởng môn thi về nội dung đề thi, đáp án, thang điểm, độ khó, độ dài của đề thi.
Sau khi phản biện, người ra đề thi và người phản biện, dưới sự chủ trì của Trưởng môn thi, phải họp lại để thống nhất ý kiến (có ghi biên bản) về những điểm cần sửa chữa, bổ sung, thống nhất các phương án tổ hợp đề để không dùng nguyên đề thi do một cán bộ chủ trì biên soạn.
Sau khi tu chỉnh lần cuối đề thi, đáp án và thang điểm, với sự đóng góp ý kiến của các cán bộ biên soạn đề thi và phản biện đề thi của từng môn, Trưởng môn thi ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban Đề thi. Trưởng ban Đề thi tự mã hoá các đề thi dự kiến theo ký hiệu I, II, III... và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đề thi chính thức và các đề thi dự bị.
Đối với đề thi theo phương pháp trắc nghiệm: Cán bộ ban Đề thi rút câu hỏi trắc nghiệm từ ngân hàng câu trắc nghiệm. Trưởng môn thi phân công các thành viên trong tổ ra đề, thẩm định từng câu trắc nghiệm theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi.
Tổ ra đề làm việc chung, lần lượt chỉnh sửa từng câu trắc nghiệm trong đề thi dự kiến. Sau khi chỉnh sửa lần cuối Trưởng môn thi ký tên vào đề thi và giao cho Trưởng ban Đề thi.
Cán bộ ban Đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau. Tổ ra đề rà soát từng phiên bản đề thi, đáp án và ký tên vào từng phiên bản của đề thi.
Toàn bộ đề thi chính thức và đề thi dự bị, đáp án và thang điểm khi chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật” do Trưởng ban Đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật.
Ngân Anh Vietnamnet