Đổi mới toàn diện giáo dục nhất định phải thay đổi thi cử
Cập nhật ngày: 06/11/2013 04:51:27
Đổi mới đào tạo và thi cử là những yếu tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.
Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT soạn thảo vừa được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận và thông qua bằng một Nghị quyết, để sau đó sẽ trưng cầu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong những kỳ họp sắp tới.
Giáo sư (GS) Hoàng Tụy - nhà Toán học tiêu biểu của Việt Nam và có thâm niên nghiên cứu về giáo dục nhận xét, Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” là Dự thảo được Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương soạn thảo công phu và kỹ lưỡng nhất trước tới nay.
Tuy nhiên, GS Hoàng Tụy cho rằng, để thực hiện tốt được Đề án phải từng bước thực hiện và phải có lộ trình rõ ràng cho từng cấp, bậc học.
Đề án đổi mới toàn diện giáo dục sẽ chú trọng đến thay đổi thi cử
(Ảnh minh họa)
Lãng phí nguồn nhân lực vì không định hướng nghề nghiệp rõ ràng
Trong Đề án, GS Hoàng Tụy dành sự quan tâm đặc biệt là trước tiên phải đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông. GS Hoàng Tụy cho rằng, giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay đang có nhiều bất cập. Học sinh học hết 12 năm học nếu không thi đỗ vào ĐH, CĐ thì gần như không có “lối rẽ” để các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Thực tế hiện nay là hàng năm, chỉ có 1/3 đến 2/5 học sinh là thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Số còn lại là không thi đỗ thì loanh quanh trong vòng xoáy đợi sang năm thi tiếp hoặc tìm trường học nghề. Thế nhưng, sau vài ba năm ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể xin được việc làm vì không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Học viên tốt nghiệp các trường nghề không đảm bảo được các kỹ năng, tay nghề so với công việc thực tế.
Hàng năm, có hàng triệu thanh niên đã học hết 12 năm học nhưng chỉ làm được những công việc giản đơn, không có tay nghề chuyên môn thực sự. Điều này là phi thực tế vì hiện không có một nước nào trên thế giới diễn ra thực trạng như vậy.
Đây là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực và nhân lực cho đất nước. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài thì nó như “quả bom nổ chậm” ảnh hưởng đến tư duy, lối sống của cả một thế hệ thanh niên trong tương lai.
Ở nhiều nước trên thế giới đã định hướng nghề nghiệp từ khi các em học sinh đang học THCS. Vì vậy, ở lứa tuổi này, các em đã được học nghề phù hợp với sở thích, khả năng.
Các trường dạy nghề không chỉ giảng dạy các kỹ năng nghề nghiệp mà còn dạy cả các kiến thức văn hóa để nếu như có em học sinh nào về sau này muốn vào ĐH, CĐ là cũng có thể được xét tuyển nếu đạt yêu cầu.
Vì được định hướng nghề nghiệp theo sở thích, năng lực phù hợp với khả năng ngay từ nhỏ tuổi, cộng thêm với việc trả lương hậu hĩnh cho lao động có tay nghề cao nên ở nhiều nước trên thế giới không có chuyện coi trọng bằng cấp, phụ huynh mong mỏi con phải vào ĐH, CĐ bằng được.
Một số nước trên thế giới định hướng nghề nghiệp từ khi còn ở cấp THCS đã giúp cho các em học sinh có được kiến thức và tay nghề vững vàng, có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, nhu cầu xã hội và có thể cạnh tranh với những lao động khác trên thế giới.
GS Hoàng Tụy
Để tạo ra một chiếc tivi hay một thiết bị nào đó không bị mắc lỗi, ngay từ những bộ phận cơ bản, nhỏ nhặt nhất đã được những lao động có tay nghề cao chú ý nghiên cứu, lắp ráp cẩn thận đến từng chi tiết. Từng bộ phận của chiếc tivi được kiểm tra ngay từ khâu sản xuất xong, chứ không đợi đến khi lắp rắp hết các bộ phận thì mới kiểm tra. Vì thế mà sản phẩm công nghiệp ở một số nước châu Âu thường có chất lượng tốt, có tính cạnh tranh cao.
Yếu tố quan trọng làm nên những sản phẩm đạt chất lượng cao chính là các nước đã chú trọng đến đào tạo và tuyển dụng lao động có trình độ, tay nghề và chất lượng cao.
Nhất định phải đổi mới thi cử
Để có được nguồn nhân lực đạt trình độ và tay nghề đạt chất lượng, GS Hoàng Tụy cho rằng, Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhất định phải đổi mới thi cử, đặc biệt là ở cấp THPT.
Hiện nay, mỗi năm, chúng ta phải mất tới hàng trăm triệu đồng trích từ ngân sách Nhà nước và chi phí từ mỗi gia đình để lo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, kết quả kỳ thi lại không đánh giá thực chất quá trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, thời gian thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ lại rất gần nhau nên rất mệt mỏi cho học sinh.
Theo GS Hoàng Tụy, đổi mới thi cử ở Việt Nam cũng có thể học tập theo mô hình ở CH Pháp. Theo đó, học sinh học xong phần nào thì thi luôn phần đó, chứ không đợi đến cuối kỳ mới thi gộp lại tất cả các môn. Việc thi tốt nghiệp THPT được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản và trung thực kèm theo sự đánh giá của giáo viên, nhà trường trong suốt quá trình học THPT của học sinh.
Còn ở Mỹ, học sinh không phải thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường sẽ đánh giá học sinh một cách khách quan thông qua việc học tập và kết quả thi các môn của học kỳ I và II. Khi học sinh học hết cấp III thì không phải thi tốt nghiệp mà sẽ được nhà trường cấp chứng chỉ tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả đánh giá học tập các môn học.
Hiện nay, nhiều nước châu Âu trên, học sinh đều được lấy kết quả đánh giá học tập THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Việc đánh giá quá trình học tập và thi cử bậc THPT ở các nước được thực hiện rất nghiêm túc, bài bản dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ. Nhiều hội đồng kiểm định chất lượng được thành lập với trách nhiệm rất cao trong việc đánh giá hồ sơ, quá trình học tập, thi cử của học sinh.
Ở Mỹ xét tuyển thí sinh vào các trường ĐH, CĐ bằng việc đánh giá kết quả THPT và sự giới thiệu của nhà trường. Một số trường ĐH khác khắt khe hơn trong tuyển chọn bằng cách thêm điều kiện là thí sinh phải trải qua một kỳ thi (SAT) kiểm tra độ thông minh và kỹ năng đọc hiểu, viết của thí sinh.
Một số trường ĐH, CĐ của Mỹ sẽ xét tuyển dựa vào đánh giá quá trình học THPT và kết quả thi SAT để xét tuyển học sinh vào trường.
Để được trúng tuyển vào những trường ĐH, CĐ theo sở thích, ngay từ cấp THPT, học sinh đã phải lựa chọn vào những trường học chuyên sâu đào tạo về môn học, ngành nghề chuẩn bị cho hành trang vào ĐH, CĐ.
Mỗi một nước có nền văn hoá và giáo dục khác nhau, không thể áp đặt mô hình của nước này vào nước khác. Thế nhưng, những yếu tố đào tạo và thi cử nào tích cực mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thì chúng ta nên tham khảo và học tập.
Tuy nhiên, GS Hoàng Tuỵ tán thành với đề xuất giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải có sự đổi mới theo cách học sinh học hết phần nào thì nhà trường phải kiểm tra, đánh giá luôn phần đó, chứ không nên dồn thi tất cả các môn vào cuối kỳ. Việc thi tốt nghiệp THPT nên dừng lại bằng 2 môn có tính chất tổng hợp hoặc bằng một Tiểu luận để kiểm tra kiến thức tổng thể trong 3 năm học của học sinh.
Việt Nam nên tham khảo kỹ mô hình mà các nước trên thế giới đã thực hiện trong việc lấy kết quả thi tốt nghiệp và đánh giá của giáo viên, trường THPT để xét tuyển học sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận và thông qua bằng một Nghị quyết sẽ là một bước đệm để cải cách toàn diện nền giáo dục.
Theo GS Hoàng Tuỵ, đổi mới đào tạo và thi cử là những việc làm cần phải được thực hiện trước tiên. Bởi đây là những yếu tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai./.
Bích Lan/VOV