Giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế:
Đột phá từ cơ chế tài chính

Cập nhật ngày: 10/11/2012 05:49:27

Làm thế nào để xây dựng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có chất lượng trên nền tảng cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; làm thế nào để thu hút và sự hợp tác đối với các đối tác quốc tế có tiềm lực… là những chủ đề chính được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục, các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra bàn luận tại hội thảo giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 9-11. Trong đó, giải pháp về cơ chế tài chính được các chuyên gia xem là khâu đột phá mà giáo dục đại học Việt Nam cần thực hiện.

Bất hợp lý

Mở đầu hội thảo, GS-TS Martin Hayden, Trường ĐH Southern Cross (Úc), lãnh đạo nhóm Quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cho biết: “Trong năm 2009 và 2010, nhà nước ban hành lộ trình tăng học phí nhưng không dựa trên sự cân nhắc đâu là mức chi phí có thể chấp nhận được. Dữ liệu so sánh quốc tế gợi ý rằng một tỷ lệ hợp lý của chi phí đơn vị trên GDP đầu người của các nền kinh tế thu nhập thấp nhất là 120% - 150%. Năm 2009, GDP trên đầu người của Việt Nam khoảng 1.000 USD thì chi phí tối thiểu có thể chấp nhận được là 1.200 USD. Tuy nhiên, theo báo cáo của Quốc hội, chi phí đơn vị thực tế của Việt Nam năm 2009 chỉ ở mức 350 - 400 USD, tức thấp hơn nhiều so với con số nên có”.


Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM)
trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm

GS-TS Martin Hayden phân tích, nhà nước đã và đang duy trì sự cam kết lâu dài với việc miễn giảm học phí đối với sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số và trong một số ngành nhất định. Tác động của chính sách này là năm 2006 có 22% tổng số sinh viên được miễn giảm học phí. Năm 2007, trị giá học bổng đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và tín dụng cho sinh viên vay vốn tăng đáng kể. Kết quả, trong 2 năm có gần 1,4 triệu sinh viên tiếp cận được nguồn vốn. Chính phủ cũng đã thành lập 6 trường dự bị ĐH cho đối tượng dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, bình đẳng trong tiếp cận ĐH vẫn còn là một vấn đề. Chẳng hạn, trong năm 2009, 1/5 gia đình nghèo nhất Việt Nam đã chi tiêu đến 70,1% thu nhập của gia đình cho việc học ĐH của con cái, trong lúc có 1/5 gia đình giàu nhất chỉ chi khoảng 29,6% cho việc học của con mình. Đặc biệt, thanh niên nông thôn và gia đình thu nhập thấp nói chung ít có cơ hội vào ĐH so với thanh niên thành thị và gia đình thu nhập cao.

Một thực tế khác cũng được các đại biểu phân tích là nghiên cứu khoa học. GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), dẫn chứng: “Việt Nam đang tụt hậu về năng lực cạnh tranh toàn cầu, các chỉ số kinh tế tri thức vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trong giai đoạn 1970 - 2011, Việt Nam công bố 10.745 bài báo khoa học trên tập san quốc tế nhưng chỉ bằng 22% so với Thái Lan, 11% của Singapore, 27% của Malaysia. Đáng nói hơn, tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam ở mức thấp so với những nước vừa nêu. Trong tốp 400 trường ĐH hàng đầu thế giới, khu vực Đông Nam Á có 11 trường nhưng không có trường nào của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, 2% kinh phí dành cho KH-CN (13.000 tỷ đồng) chỉ có khoảng 10% dành cho nghiên cứu từ đề tài cấp cơ sở đến cấp nhà nước, phần còn lại dành cho chi phí sự nghiệp (nuôi bộ máy cán bộ khoa học cũng như các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu). Ngoài việc đầu tư thấp, việc phân phối ngân sách cũng chưa hiệu quả. Năm 2007, Bộ KH-CN phải hoàn trả ngân sách 125 tỷ đồng cho nhà nước vì không phân phối hết cho nghiên cứu khoa học. Năm 2011, số tiền hoàn trả lên đến 321 tỷ đồng.

Cần sự đầu tư đặc biệt của nhà nước

Từ những phân tích trên, GS-TS Martin Hayden đưa ra giải pháp “9 điểm” và thẳng thắn kiến nghị: “Việt Nam cần phải áp dụng rộng rãi hơn hệ thống “người sử dụng trả tiền” (nghĩa là học phí phải tăng) nếu các trường ĐH công muốn duy trì được tài chính để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vì lý do công bằng, nhà nước phải đưa ra nhiều loại học bổng và các khoản tín dụng để hỗ trợ những sinh viên có năng lực nhưng cần giúp đỡ về tài chính để có thể theo học, đồng thời xây dựng lộ trình hoàn vốn sau khi người học ra trường”.

Theo ông, để có nguồn kinh phí này, nhà nước có thể lấy từ nguồn vốn quốc tế. Bên cạnh đó, sự mở rộng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam sẽ đòi hỏi một nguồn tài chính khổng lồ. Chi phí trung bình mỗi sinh viên để theo học bậc ĐH sẽ phải tăng 3 - 4 lần vào năm 2015 so với năm 2007 và 5 - 6 lần vào năm 2019 thì mới thực hiện được tham vọng của Việt Nam về tăng trưởng, cải thiện chất lượng giáo dục đại học. Trong khi năng lực của Chính phủ đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học còn khá giới hạn nên việc tăng học phí dường như là lựa chọn duy nhất mà Việt Nam phải tính đến.

Theo nhóm tác giả của tham luận “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh năng lực nghiên cứu khoa học ở Việt Nam”, các trường ĐH Việt Nam đạt được chuẩn quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy sẽ là đòn bẩy vững chắc thúc đẩy tính cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế tri thức. Mong muốn của Chính phủ trong việc xây dựng 4 trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế hay ĐH xuất sắc đến năm 2020 sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có đầu tư đặc biệt của nhà nước cũng như thay đổi toàn diện về cơ chế tài chính, quản trị và thu hút nhân tài. Quan trọng hơn, cần có sự gắn kết chặt chẽ hệ thống giáo dục với nghiên cứu quốc gia để tăng cường mối quan hệ mật thiết đến việc tập trung nguồn lực, xác định ưu tiên đầu tư cho vấn đề quốc sách hàng đầu, đó là giáo dục và khoa học.

ĐH (Theo Thanh Hùng-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn