Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên:
“Ba nhà” phải cùng vào cuộc
Cập nhật ngày: 25/08/2012 08:51:46
Khi hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên (HS, SV) có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV đã trở thành vấn đề nóng không chỉ với ngành giáo dục, mà còn là của toàn xã hội.
Nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn và một lần nữa vấn đề này được đem ra "mổ xẻ" tại hội thảo "Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HS, SV" do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 24-8 tại Hà Nội.
Sự phối hợp hành động giữa nhà trường, gia đình và xã hội
là chìa khóa cải thiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV
Nặng lý thuyết, chưa đủ quyết liệt
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD-ĐT, từ năm 2002 đến nay cả nước xảy ra hơn 11 nghìn vụ vi phạm, hơn 8.300 HS, SV đã bị xử lý kỷ luật. Nhiều vụ HS, SV đánh nhau, xé quần, xé áo bạn trên phố; chơi bài cởi áo trong lớp… được ghi hình, lan truyền trên mạng internet. Xuất hiện nhiều vụ án mạng, hiếp dâm… đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm, nạn nhân đều đang tuổi học trò.
Ý kiến trên nhiều diễn đàn cho rằng phải nhìn lại thực trạng giáo dục đạo đức cho HS, SV, rằng đã đến lúc cha mẹ phải quan tâm hơn tới việc giáo dục con cái; nhà trường, các lực lượng xã hội phải chặt chẽ, nghiêm khắc hơn trong quản lý, giám sát… Thế nhưng, những động thái đó chỉ rộ lên khi có vụ việc, rồi chìm xuống. Hơn nữa, khi có sự vụ đáng tiếc xảy ra, điều được bàn đến nhiều là hình thức xử lý vi phạm, ít quan tâm đến giải pháp ngăn chặn triệt để.
Rõ ràng là vấn đề giáo dục đạo đức cho HS, SV hiện nay chưa có được hiệu quả cần thiết. Số liệu của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho thấy tỷ lệ HS nói dối cha mẹ tăng dần theo độ tuổi. Điều tra của Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh cho thấy có hơn 30% số HS được hỏi có hành vi vô lễ với thầy cô giáo, 38% thường xuyên nói tục…
Nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ. Những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và từ internet khiến giá trị đạo đức truyền thống có nhiều thay đổi. Việc giáo dục đạo đức, nếp sống cho HS, SV tại gia đình, nhà trường và cả ngoài xã hội chưa được coi trọng đúng mức. Bộ GD-ĐT đã lồng ghép nhiều nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào chương trình giảng dạy song còn nặng về lý thuyết; phía gia đình còn tư tưởng "trăm sự nhờ thầy", chế tài xử phạt chưa đủ sức thuyết phục.
"Ba nhà" cùng vào cuộc
Các chuyên gia giáo dục khẳng định sự phối hợp hành động mạnh mẽ của "ba nhà" (nhà trường, gia đình, xã hội) là chìa khóa cải thiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV. Đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang cho rằng, giữ vai trò quan trọng trong sự phối hợp này là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp - những người đồng hành cùng các em trong suốt chặng đường học tập, có thể hiểu và chia sẻ nhiều nhất với các em, vì thế có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách HS. Đội ngũ này phải được lựa chọn kỹ với tiêu chí bắt buộc về phẩm chất, chuyên môn. Lý do là bởi công việc họ làm không chỉ cần trách nhiệm, mà còn cần cả sự nhiệt huyết, lòng yêu thương của một người mẹ, người cha để hiểu rõ tâm tư, diễn biến tâm lý các em, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Thực tế ấy đòi hỏi phải có những điều chỉnh nhất định về mặt cơ chế, chính sách để động viên, khích lệ họ. Và, quan trọng nhất trong sự phối hợp giữa "ba nhà" là người lớn dù ở bất kỳ vị trí nào, trong gia đình hay ngoài xã hội thì đều phải có ý thức tự giác, làm gương để con trẻ học tập.
Việc tạo lập cho HS, SV thói quen chấp hành luật cần phải được triển khai thường xuyên và quyết liệt hơn. Trong đó, việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, lấy "xây" để "chống" là yêu cầu bức thiết, tạo nền cho việc hình thành lối sống văn hóa bền vững. Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc biên soạn và đưa vào giảng dạy đại trà ở các nhà trường bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS" từ năm học trước. Với cách biên soạn "đồng tâm, tiệm tiến", bộ tài liệu đã cụ thể hóa những yêu cầu, kiến thức cơ bản trong giao tiếp, ứng xử, ăn mặc… của người Hà Nội bằng các tình huống, câu chuyện gần gũi để HS dễ dàng tiếp nhận và học theo.
TS Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, trong đời sống hiện đại, các lực lượng xã hội cần coi trọng hơn nữa việc hoàn thiện thiết chế văn hóa xã hội đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu giao lưu, giải trí cho giới trẻ. Số công trình văn hóa phục vụ thanh niên còn quá ít. Ngay tại Hà Nội, những mô hình thiết chế như nhà văn hóa HS, SV chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi những rạp chiếu phim như Megastar chưa phải dành cho số đông. Các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mang tính định hướng cho thanh niên còn thiếu nhiều. Thường xuyên được tiếp nhận tác phẩm văn hóa lành mạnh, giới trẻ sẽ thấm dần những điều tốt đẹp, biết rung cảm trước tấm lòng nhân ái, biết phân biệt phải - trái, biết đau trước nỗi đau của người khác…
Định hướng cho giới trẻ về chân - thiện - mỹ, phát huy vai trò tự tu dưỡng chính là tạo ra chất "kháng thể" để HS, SV chống lại sự xâm lăng của cái xấu.
ĐH (Theo Hồng Hạnh-HNMO)