Giáo dục kiến thức quốc phòng trực tuyến
Cập nhật ngày: 11/08/2014 05:16:08
Đây là hình thức giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) lần đầu tiên được Hội đồng giáo dục QP-AN huyện Cao Lãnh đưa vào thử nghiệm.
Thượng tá Đào Quảng Linh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cao Lãnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN huyện thông tin: với số lượng đối tượng phải bồi dưỡng khá lớn (trên 2.000), hàng năm, huyện chỉ có thể mở từ 1 đến 2 lớp. Như vậy, trong nhiệm kỳ Đảng bộ huyện sẽ rất khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu trong bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trước đây, các học viên phải tập trung về huyện học, có anh em ở xa phải đi về mấy chục cây số, vừa mất thời gian, lại tốn kém chi phí đi lại, ăn uống hàng ngày. Năm nay thì cán bộ, công chức và giáo viên công tác trên địa bàn nào, sẽ học luôn tại đó.
Lớp bồi dưỡng KTQP-AN cho đối tượng 4 tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp)
Theo anh Linh, năm 2012, lãnh đạo huyện Cao Lãnh chủ trương trang bị cho tất cả xã, thị trấn hệ thống trực tuyến. Khi vận dụng hình thức này để bồi dưỡng kiến thức QP-AN thật sự mang lại hiệu quả: số lượng học viên tham dự tăng lên với trên 1.200 học viên, đồng thời chia sẻ được “gánh nặng” với các xã, thị trấn, bởi đối tượng trước đây do xã trực tiếp giáo dục kiến thức QP-AN, thì nay chỉ cử cán bộ quản lý lớp, còn nội dung do báo cáo viên của huyện phụ trách, chất lượng cũng sẽ nâng lên.
Qui trình tổ chức của huyện vừa đơn giản lại ít tốn kém. Các học viên công tác ở thị trấn và ngành huyện thì tập trung tại điểm cầu chính là Trung tâm Bồi dưỡng chính trị hoặc hội trường UBND huyện nghe báo cáo viên trình bày. 17 điểm cầu còn lại được trực tuyến qua hệ thống mạng nối với màn hình ti-vi đặt tại Hội trường UBND xã để cán bộ, đảng viên và giáo viên các trường trên địa bàn sẽ tập trung dự học. Cán bộ của Ban CHQS xã sẽ quản lý lớp và tiếp thu ý kiến của học viên để báo cáo hàng ngày về trên. Ở buổi thảo luận cuối khóa, những vấn đề thắc mắc của học viên sẽ được báo cáo viên giải đáp cụ thể...
Tại xã Mỹ Hội, hội trường UBND xã khá rộng, có trên 50 học viên đang dự học rất nghiêm túc dù không có giáo viên đứng lớp. Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Mỹ Hội Nguyễn Văn Liêm là học viên, kiêm quản lý lớp học, cho biết: “Anh chị em học rất nghiêm túc, không ai bỏ buổi nào, ngoại trừ trường hợp đột xuất, nhưng giải quyết xong là họ quay lại lớp học ngay”.
Thầy Phan Văn Trường, giáo viên Trường THPT Kiến Văn, chia sẻ: “Trong đợt này, 100% cán bộ, giáo viên của trường tôi đều được tham gia học, chứ không theo phân bổ chỉ tiêu như trước”. Cô Ngô Thị Hồng Phúc, giáo viên Trường THCS Mỹ Hội, nói: “Tôi nghĩ rằng việc tổ chức cho giáo viên học tập vào thời gian nghỉ hè như hiện nay là hợp lý. Phương pháp bồi dưỡng trực tuyến vẫn đảm bảo truyền tải tốt nội dung. Thuận lợi nhất là anh chị em đi lại gần hơn, chất lượng và điều kiện học tập cũng tốt hơn”.
Theo thông tin từ Đại tá Nguyễn Minh Triều, Phó Phòng Dân quân tự vệ (Bộ Tham mưu Quân khu 9), thời gian tới, theo quy định Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN sẽ tăng lên nhiều lần so với hiện tại. Nếu được tổ chức chặt chẽ, chu đáo, việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN trực tuyến như huyện Cao Lãnh sẽ là rất tốt.
Thế Hiển