Hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề

Cập nhật ngày: 10/04/2013 05:18:52

Thời gian qua, hệ thống các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và Trung tâm Dạy nghề (TTDN) của tỉnh không ngừng được quan tâm, phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của các TTGDTX và TTDN trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Việc hợp nhất 2 loại hình Trung tâm này rất cần thiết nhằm phục vụ tốt nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Cơ sở II Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Thành

Hiện Đồng Tháp có 12 TTGDTX, trong đó có 1 TTGDTX - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh và 11 TTGDTX cấp huyện. Về đào tạo nghề, ở thị xã Sa Đéc có Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp; ở huyện Tháp Mười, huyện Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự có Trường Trung cấp nghề, các huyện còn lại đều có TTDN. Như vậy, ở từng huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều tồn tại song song 2 loại hình TTGDTX và TTDN góp phần rất lớn phục vụ nhu cầu học tập nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho người dân. Tuy nhiên, việc tồn tại 2 loại hình TTGDTX và TTDN ở các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Thời gian qua, tỉnh đầu tư xây dựng mới 3 TTGDTX ở các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình và Lấp Vò, các TTGDTX còn lại phải hoạt động trong tình trạng mặt bằng nhỏ hẹp chưa đến 1.000m2 như TTGDTX huyện Tháp Mười, Tân Hồng;..., hoặc mượn của các cơ quan, đơn vị khác để hoạt động như TTGDTX thị xã Sa Đéc, TTGDTX huyện Châu Thành... từ đó gây không ít trở ngại cho việc đào tạo theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngược lại, đối với các TTDN trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy tương đối tốt nhưng chưa sử dụng hợp lý và chưa khai thác hết công năng để phục vụ đào tạo nghề cho người lao động. Có tình trạng, mặt bằng rộng sử dụng không hết phải cho đơn vị khác để sản xuất gia công như TTDN huyện Tân Hồng.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý và giáo viên của TTGDTX và TTDN ở các địa phương trong tỉnh chưa được bố trí hợp lý, có nơi thừa, có nơi thiếu nên phân tán nguồn nhân lực. Hầu hết các TTGDTX có đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo yêu cầu đào tạo, trong khi các TTDN chưa đảm bảo đủ biên chế được UBND tỉnh giao (10 biên chế/Trung tâm), giáo viên không có hoặc có rất ít, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Điển hình như các TTDN huyện Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Hồng Ngự biên chế chỉ 6 hoặc 7 người/Trung tâm.

Cả TTGDTX và TTDN đều có chức năng cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kiến thức, trình độ kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương và cùng có chức năng liên kết đào tạo nên thời gian qua khi 2 Trung tâm này hoạt động trên cùng một địa bàn đã gây ra hiện tượng “chồng chéo” nhau, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến công tác giáo dục và đào tạo nghề ở địa phương.

Trên địa bàn tỉnh, mỗi năm các TTGDTX thu hút trung bình hơn 2.500 người học THPT; các TTDN thực hiện đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 25.000 người và liên kết đào tạo khoảng 5.000 lao động. Việc hợp nhất TTGDTX và TTDN là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên, tiến đến xây dựng xã hội học tập.

Các Trung tâm sau hợp nhất sẽ tận dụng hợp lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên. Sau hợp nhất sẽ làm tăng cơ hội học nghề của lao động vì làm giảm được chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian học nghề, từ đó thu hút được nhiều lao động học tập và học nghề, đồng thời giúp các địa phương chủ động tiến hành các chương trình đào tạo, dạy nghề, phổ cập, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp,...

Hiện tỉnh Đồng Tháp đang tiến hành đóng góp những nội dung của Đề án hợp nhất TTGDTX và TTDN. Nếu Đề án hoàn thành và được thông qua sẽ là tiền đề để góp phần nâng chất lượng hoạt động của TTGDTX và TTDN hiện nay.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn