Không để các trường không đủ chuẩn đào tạo

Cập nhật ngày: 23/03/2013 06:46:27

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập về vấn đề một số trường đại học dân lập không tuyển sinh được, một số trường bị Bộ “xử lý” trong vấn đề tuyển sinh.

Trong phiên chất vấn chiều 22/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không tạo điều kiện phát triển cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ngang bằng với các trường công lập và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập về vấn đề một số trường đại học dân lập không tuyển sinh được, một số trường bị Bộ “xử lý” trong vấn đề tuyển sinh.

“Chúng tôi đã làm việc với các thành viên trong Hiệp hội và giải thích, không có việc Bộ trù dập các trường đại học dân lập”, Bộ trưởng khẳng định. Việc Bộ có chế tài xử phạt một số trường đại học dân lập là để cho các trường tốt hơn.

“Không thể để trường không đảm bảo điều kiện học, mất đoàn kết, tranh giành quyền lợi, mất môi trường sư phạm, không còn là gương sáng trước học sinh, xã hội. Còn những trường đại học dân lập chuẩn mực như trường Thăng Long và một số trường khác thì Bộ rất hoan nghênh”, Bộ trưởng nói.

Để tạo điều kiện tốt hơn cho các trường đại học dân lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị bỏ quy định phải bảo đảm diện tích xây dựng bình quân 55 m2 cho mỗi sinh viên mới được nhận ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết việc cấp đất sạch cho các trường khó thực hiện do ngân sách không đủ để cân đối.

Về đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong thời gian tới sẽ lấy kiến rộng rãi các Bộ, ban ngành, địa phương về đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Khắc phục tình trạng sinh viên làm việc trái ngành

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) về các giải pháp bảo đảm việc làm, làm việc đúng ngành nghề được đào tạo cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình với ý kiến của đại biểu về thực trạng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chưa tìm được việc làm, làm việc trái ngành. Đây là một thực tế diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực đào tạo.

Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do công tác đào tạo và nhu cầu, khả năng sử dụng nguồn nhân lực còn có khoảng cách. Vấn đề quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của đất nước và của từng ngành nghề chưa được chú ý trong nhiều năm qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần trách nhiệm trong vấn đề chất lượng đào tạo, nhiều sinh viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của cơ quan tuyển dụng, đặc biệt là về tiếng Anh, tin học; chưa gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học với doanh nghiệp, thị trường lao động; quy mô, khả năng đào tạo của các nhà trường chưa được tính toán kỹ lưỡng.

Khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong 2 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các Bộ, ngành tiến hành xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lượt phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2020.

Việc phân cấp mạnh quyền tự chủ cho các trường đại học cũng góp phần bảo đảm việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tính toán quy mô, chất lượng đào tạo của các trường, tổ chức hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực của các ngành nghề. Trên thực tế, Bộ đã chỉ đạo dừng mở mới các cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo về tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán. Bên cạnh đó, Bộ cũng bước đầu định hướng, thu hút học sinh, sinh viên vào một số ngành nghề mà một số địa phương đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tin tưởng trên cơ sở triển khai Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và việc các địa phương phê duyệt kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, tình trạng thiếu việc làm và làm việc trái ngành, trái nghề đào tạo với sinh viên ra trường sẽ dần được khắc phục.

Theo Chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn