Nên chọn ngành học thế nào cho hợp lý?
Cập nhật ngày: 31/03/2014 04:03:41
Hằng năm, cứ gần đến mùa thi, điều khiến nhiều học sinh THPT quan tâm nhất chính là các môn thi tốt nghiệp THPT và các ngành học đại học. Năm nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chỉ thi tốt nghiệp 4 môn thì đồng thời cũng mở ra cho học sinh nhiều cơ hội để bước chân vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa đó, nhiều em vẫn còn đang băn khoăn chưa biết nên chọn ngành học nào cho phù hợp. Sau đây, tôi xin nêu một vài lưu ý để các bạn trẻ tham khảo trong việc quyết định chọn ngành để theo học đại học.
Trước hết, lựa chọn ngành học phải phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân. Trong 3 năm học phổ thông, các bạn đã xác định cho mình đâu là những môn học “mạnh” và “yếu”; đâu là sở trường riêng. Từ đó, chọn cho mình những ngành học có liên quan đến những môn “mạnh”, sở trường của bản thân. Có như vậy, bạn sẽ không cảm thấy chán nản, “đuối” nửa chừng trong suốt 4 năm học đại học vì trong chương trình học của ngành đã chọn, sẽ có ít nhiều những môn học liên quan đến những môn tủ mà trước đó bạn đã chọn để thi.
Ngành học đã chọn không chỉ gắn bó trong suốt 4 năm học đại học mà nó còn theo bạn trong cả cuộc đời. Khi tốt nghiệp, công việc bạn lựa chọn phải liên quan đến ngành mà bạn đã học. Vì vậy, nếu không có lòng đam mê, không yêu thích ngành học của mình ngay từ ban đầu thì rất khó để bạn có thể yêu thích và gắn bó với công việc sau này. Chính vì thế, chọn ngành theo học phải lưu ý đến sở thích của bản thân.
Kế đến, điều kiện kinh tế của gia đình cũng là một điểm đáng chú ý mà bạn nên tính đến khi quyết định chọn ngành học. Bốn năm học đại học là bốn năm bạn phải sống phụ thuộc vào gia đình, mọi chi phí sinh hoạt, học tập đều do bố mẹ chu cấp. Thế nên, nếu gia đình khá giả về kinh tế thì bạn có thể chọn cho mình những ngành học có học phí cao. Còn ngược lại, các ngành Sư phạm (không thu học phí trong suốt khoá học) sẽ là lựa chọn tối ưu cho những bạn nào có điều kiện kinh tế thấp và trung bình.
Cuối cùng, lựa chọn ngành học cũng phải lưu ý đến nhu cầu xã hội. Hiện nay, nhiều bạn đang có xu hướng chạy theo những ngành “hot”, có khả năng hái ra tiền như: tiếp viên hàng không, tài chính, kế toán, ngân hàng, bác sĩ, quản trị kinh doanh, công an, luật,... dẫn đến tình trạng “quá tải” ở các ngành học này, đồng thời kéo theo tỉ lệ chọi ở những ngành đó lên rất cao. Trong khi đó, một số ngành học thuộc khối xã hội và nhân văn thì ít được các bạn “để mắt” đến. Hệ quả là ngành “hot” trở nên thừa, kéo theo tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm. Có thể trong thời gian này, đó là những ngành mà xã hội đang cần, nhưng trong thời gian tới, có thể nó sẽ không còn “hot” nữa. Chính vì thế, không nên chọn những ngành nghề “hot” mà nên lựa chọn cho mình những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội, của địa phương nơi sau này mình sẽ công tác.
Lê Văn Xuân