Sẽ đưa chỉ tiêu tham gia Bảo hiểm y tế học sinh vào tiêu chí thi đua của các trường học
Cập nhật ngày: 19/08/2013 04:42:57
Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) là sự kết hợp toàn diện các yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HSSV, từ việc chăm lo sức khỏe ban đầu tại y tế học đường, đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi rủi ro, ốm đau. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đồng Tháp về công tác chăm lo sức khỏe cũng như chỉ đạo thực hiện BHYT HS.
PV: Xin ông cho biết năm học vừa qua ngành GD&ĐT đã có những ưu tiên gì trong thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe HS trong nhà trường?
Chăm sóc sức khỏe HS trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT. Hàng năm, Bộ GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo thực hiện công tác y tế trong nhà trường. Căn cứ chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT đã cụ thể hóa các nhiệm vụ y tế học đường phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và các trường.
Trong năm học 2012 - 2013, ngành GD&ĐT tập trung thực hiện công tác y tế học đường, cụ thể: phối hợp với các ban, ngành có liên quan (Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng...) cập nhật và triển khai các văn bản pháp quy về công tác y tế học đường đến các trường học và cơ sở giáo dục để quán triệt, thực hiện; bố trí cán bộ y tế chuyên trách theo định biên và bảo đảm chế độ, điều kiện làm việc để cán bộ y tế học đường thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HS. Hiện tại, 100% trường Mầm non, 97% trường Tiểu học, 95% trường THCS và 100% trường THPT có nhân viên y tế.
Ngoài ra, tại các trường học và cơ sở giáo dục trong ngành từng bước xây dựng, bố trí phòng, góc y tế, có giường để khám và lưu bệnh, đảm bảo cơ số thuốc theo hướng dẫn trong danh mục trang bị thuốc thông thường của Bộ Y tế; hầu hết trường học trong tỉnh đều có nước sạch, nước tiệt trùng để sử dụng; các công trình vệ sinh đa số đạt tiêu chuẩn; tổ chức khám sức khỏe cho HS đầu cấp và khám sức khỏe định kỳ;...
PV: Từ năm 2010 đến nay, HS là nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng nhưng kết quả số HS tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt như mong muốn, theo ông nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân việc tỷ lệ HS tham gia BHYT chưa cao mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, theo tôi tập trung vào các vấn đề sau: công tác tuyên truyền về lợi ích của BHYT cho HS trong thời gian qua tuy có thực hiện nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, chưa nâng cao được nhận thức của cha mẹ HS và HS; hiện nay, nhiều loại hình bảo hiểm của nhiều đơn vị được phép triển khai thực hiện trong nhà trường nên một bộ phận cha mẹ HS và HS không có điều kiện tham gia các loại hình bảo hiểm; một số trường học chưa thực hiện tốt công tác y tế học đường, chưa quan tâm nhiều đến việc vận động HS tham gia BHYT. Không thể phủ nhận thực tế là ở một số cơ sở y tế hợp đồng với Bảo hiểm xã hội để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho HS có thẻ BHYT phục vụ chưa thật tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của HS; thủ tục còn phiền hà, tinh thần, thái độ phục vụ của một số y, bác sĩ chưa thật tốt.
PV: Theo kế hoạch phối hợp thực hiện BHYT HS của tỉnh đến 2015 thì năm học 2013 - 2014 mục tiêu đặt ra là có 90% HS tham gia BHYT. Vậy ngành GD&ĐT có những giải pháp gì trong chỉ đạo thực hiện BHYT HS?
Để thực hiện mục tiêu năm học 2013 - 2014 có 90% HS tham gia BHYT, ngành GD&ĐT sẽ tập trung thực hiện các công việc sau: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ HS và HS về lợi ích của BHYT; quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của việc tham gia BHYT để nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc tuyên truyền, vận động HS tham gia loại hình bảo hiểm này không chỉ là trách nhiệm của ngành GD&ĐT mà còn là trách nhiệm của ngành y tế và các ngành, các cấp, chính quyền địa phương; trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ y tế học đường năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo sâu hơn về công tác vận động HS tham gia BHYT.
Đồng thời, Sở sẽ xem xét đưa quy định về tỷ lệ HS tham gia BHYT vào hệ thống tiêu chí thi đua của các trường học (thưởng điểm cho các đơn vị thực hiện tốt công tác BHYT HS).
Nhân đây, chúng tôi đề nghị ngành y tế xem xét, chấn chỉnh các biểu hiện chưa tốt trong việc khám và chữa bệnh cho HS của một số cơ sở y tế hợp đồng thực hiện BHYT HS. Chúng tôi cho rằng khi mà chất lượng chăm sóc, khám chữa bệnh được nâng lên, các thủ tục hành chính có liên quan được đơn giản hóa, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tốt hơn thì cộng đồng, cha mẹ HS và HS sẽ tích cực tham gia BHYT,...
PV: Xin cám ơn ông.
Hữu Nghĩa
(Thực hiện)