Phương án tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016:
Tăng quyền chủ động cho các trường
Cập nhật ngày: 17/02/2016 13:04:13
Phương án tổ chức tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy năm 2016 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức ban hành. Với việc giữ ổn định về cơ bản như năm 2015 và một số điều chỉnh như thời gian xét tuyển, đăng ký nguyện vọng..., phương án tuyển sinh năm 2016 là một phương án hợp lý, tăng quyền chủ động cho các trường.
Những chuyến xe mùa xuân của Trường Đại học Đồng Tháp đưa sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết
Theo đó, các trường ĐH, CĐ chủ động xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy; tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh. Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi Trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) để xét tuyển, thì phương án tuyển sinh giữ ổn định như năm 2015 về cơ bản, có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển. Cụ thể: (1) Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển; (2) Thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online); (3) Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT; (4) Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định để xác định và công bố công khai ngưỡng ĐKXT vào ngành/nhóm ngành của trường, tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển cho thí sinh.
Về các đợt xét tuyển, đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo; các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
Nhà giáo ưu tú - Phó Giáo sư, Tiến sĩ (NGƯT.PGS,TS) Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp rất đồng tình với phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 và cho rằng: Đây là phương án tạo thuận lợi và tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh. Cách làm này khắc phục được một số hạn chế của kỳ tuyển sinh năm trước, tránh sự lộn xộn có thể xảy ra khi xét tuyển, giảm hồ sơ ảo; thời gian xét tuyển rút ngắn lại cũng là hợp lý.
Riêng chủ trương thi THPTQG, theo NGƯT.PGS,TS Nguyễn Văn Đệ, việc tổ chức cụm thi tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thuận lợi hơn cho thí sinh, các em không phải đi xa, từ đó giảm áp lực và tốn kém. Tuy nhiên, cách này cần phải đảm bảo sự giám sát chặt chẽ, coi thi thực sự nghiêm túc để đảm bảo tính công bằng, khách quan.
Chia sẻ về phương án tuyển sinh của Trường ĐH Đồng Tháp, NGƯT.PGS,TS Nguyễn Văn Đệ cho biết: Tổng chỉ tiêu tuyển mới hệ ĐH của trường là 2.850 với 28 ngành, và 500 chỉ tiêu hệ với 11 ngành.
Riêng đối với 5 ngành: Việt Nam học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản lý văn hóa, Công tác xã hội, Nuôi trồng thuỷ sản, trường sẽ tuyển sinh theo 2 phương thức: (1) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT, với môn xét tuyển là: Văn, Sử, Địa cho các ngành Việt Nam học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản lý văn hoá, Công tác xã hội; Môn Toán, Hóa, Sinh cho ngành Nuôi trồng thủy sản. (2) Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPTQG năm 2016 do các trường đại học tổ chức theo tổ hợp môn thi được quy định.
Đối với các ngành năng khiếu (Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật): Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPTQG năm 2016 do các trường đại học tổ chức đối với các môn văn hóa và kết quả thi môn năng khiếu năm 2016 do Trường ĐH Đồng Tháp tổ chức (thời gian tổ chức thi môn năng khiếu sẽ được thông báo chi tiết, và thi sau ngày thi THPTQG). Đối với các ngành khác, trường tổ chức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPTQG năm 2016 do các trường đại học tổ chức theo tổ hợp môn thi quy định.
NGUYỄN VĂN NGHIÊM