Thành lập Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên và Trường trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên
Cập nhật ngày: 01/01/2014 04:07:25
UBND tỉnh vừa ban hành Đề án thành lập Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là trung tâm) và Trường trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là trường) cấp huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở hợp nhất giữa trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và trường trung cấp nghề với trung tâm GDTX cấp huyện.
Hiện toàn tỉnh có 12 trung tâm GDTX, trong đó có 1 Trung tâm GDTX - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh Đồng Tháp và 11 trung tâm GDTX cấp huyện đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, trên địa bàn tỉnh hiện có Trường Cao đẳng Nghề Đồng Tháp; 3 trường trung cấp nghề tại thị xã Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, Tháp Mười và 8 trung tâm dạy nghề tại các huyện còn lại. Như vậy, ở từng huyện, thị xã, thành phố đều tồn tại song song 2 loại hình trung tâm, trường là: trung tâm GDTX; trung tâm dạy nghề và trường trung cấp nghề.
Thực tế tại các trung tâm, trường trung cấp nghề bộc lộ nhiều hạn chế như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, gây lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo; mặt bằng các trung tâm GDTX cơ bản không đáp ứng được yêu cầu phát triển; hầu hết các trung tâm GDTX có đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo đủ yêu cầu đào tạo, trong khi đó các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề chưa đảm bảo đủ biên chế được UBND tỉnh giao nên nhân lực của trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề chủ yếu là cán bộ quản lý và nhân viên, còn giáo viên thì không có hoặc có rất ít, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo,...
Trước những hạn chế trên, việc thành lập trung tâm và trường trên cơ sở hợp nhất trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX; trường trung cấp nghề và trung tâm GDTX là vấn đề cấp bách và cần thiết, vừa tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, vừa đẩy mạnh lĩnh vực GDTX, tiến đến xây dựng xã hội học tập.
Theo Đề án, việc thành lập trung tâm và trường sẽ đạt được những hiệu quả như: bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ dạy bổ trợ văn hóa cho nghề đào tạo, được liên kết đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo quy định; trong công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp sau THCS theo một hướng không bị phân tán; thực hiện đồng bộ việc dạy bổ trợ văn hóa cho học viên tham gia học nghề; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là thiết bị thực hành; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các học sinh tốt nghiệp sau THCS (không đủ điều kiện vào học các trường THPT) vừa học GDTX vừa học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề theo quy định;
Tổ chức bộ máy được tinh giảm, gọn nhẹ so với thành lập riêng và sẽ giảm được kinh phí hoạt động hàng năm; tăng cơ hội học văn hóa, học nghề của người lao động tại địa phương, từng bước thực hiện phổ cập THCS, THPT và phổ cập nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và thị trường lao động, tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động; giảm được chi phí đi lại, ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian học GDTX và học nghề của học viên, từ đó sẽ thu hút được nhiều học viên,...
Về chức năng của trung tâm, trường, Đề án cũng nêu rõ: trung tâm, trường là đơn vị sự nghiệp có chức năng dạy nghề, GDTX, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm; có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm, trường có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ với trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề, tạo điều kiện có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; tổ chức dạy nghề, GDTX, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm; tổ chức thực hiện các chương trình GDTX;
Tổ chức các hoạt động dạy và học, kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ, chứng nhận đào tạo theo quy định của pháp luật; được liên kết với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và các trường dạy nghề để đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên lấy bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề theo đúng các quy định hiện hành.
Việc thành lập trung tâm, trường được thực hiện đồng loạt bắt đầu từ đầu năm 2014 để thuận lợi cho việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh sau khi Đề án được ban hành. Trong đó, trước mắt tập trung ưu tiên thứ tự đầu tư xây dựng mới đối với các đơn vị có cơ sở vật chất còn hạn chế hoặc chưa có cụ thể như: các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, Lấp Vò, Thanh Bình, Tháp Mười và thị xã Hồng Ngự.
Đối với những địa phương không có trung tâm dạy nghề như: thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc, tạm vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động của Trung tâm GDTX - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh, riêng Trung tâm GDTX thành phố Sa Đéc bổ sung thêm chức năng hướng nghiệp - dạy nghề “phổ thông”.
Như Anh