Thí điểm đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội

Cập nhật ngày: 28/07/2014 05:31:57

Hợp tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đồng Tháp và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh trong nghiên cứu triển khai ứng dụng đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội (KHXH) trong nhà trường phổ thông tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2016 mang lại hy vọng sẽ giúp cho học sinh (HS) Đồng Tháp thích thú học các môn KHXH hơn.

Một số HS cảm thấy không hấp dẫn đối với các môn học KHXH vì nghĩ rằng học các môn này chỉ cần có trí nhớ tốt, học thuộc lòng giỏi, mất nhiều thời gian cho việc học, chép bài. Sự hứng thú học các môn KHXH đôi khi phụ thuộc vào sự truyền cảm, truyền đạt của giáo viên. Có khi các em phải lắng nghe bài giảng một cách thụ động những chủ đề mà thầy cô truyền đạt theo kiểu đọc - chép; giáo viên photo bài để các em học, ôn thi thay vì để chúng tự nghiên cứu, tự soạn và học theo cách hiểu, cách tư duy của bản thân. Điều này ít nhiều gây nên gây sự nhàm chán cho HS. Một số HS lớp 12 không chọn các môn KHXH thi đại học, cao đẳng với lý do ra trường không biết làm việc ở đâu. Em Bùi Thị Cẩm Hà, HS Trường THPT Trần Quốc Toản, TP.Cao Lãnh cho biết: “Em thi khối B, khối A vì gia đình, bản thân em cũng không thích khối C. Em sợ học ngành khối xã hội xong ra trường không biết tìm việc ở đâu, tiền lương thấp...”.


Tọa đàm hội thảo đổi mới phương pháp các môn KHXH
trong nhà trường tại Đồng Tháp

Điều này cũng phản ánh rõ nét tại các buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thi đại học và cao đẳng. Như buổi tư vấn, hướng nghiệp cho HS THPT tại Trường Đại học Đồng Tháp do Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào tháng 3/2014, nơi tư vấn dành cho khối A, B, HS ngồi chen chúc, còn nơi tư vấn dành cho các khối C, D thì thưa thớt. Sự quay lưng của HS đối với các môn KHXH còn thể hiện rõ ở kết quả chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014: HS chọn môn Hóa học 76,2%, Vật lý 47%, Sinh vật 32,4% còn môn Địa lý 25,3%, Tiếng Anh 12,6%, Lịch sử chỉ 6,5%.

Bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi rõ nét về phương pháp học tập và những yêu cầu đối với HS. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng vừa qua, đề thi các môn KHXH đã có những đổi mới. Đề thi môn Văn, Sử, Địa lý gắn với tình hình thực tế của xã hội. Dạng đề mở giúp các em bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Rất nhiều HS cho biết, các em thích những dạng đề thi như vậy.

Bắt nhịp với những thay đổi trên, từ năm học 2014 đến năm 2016, Đồng Tháp sẽ thí điểm đổi mới phương pháp dạy và học các môn KHXH trong trường THPT, mỗi trường sẽ chọn một vài lớp áp dụng phương pháp mới. Vì vậy, mỗi trường sẽ chọn giáo viên nòng cốt tham dự các khóa học bồi dưỡng đổi mới phương pháp, sau đó chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp và giảng dạy cho HS.

Theo hợp tác song phương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ hướng dẫn giáo viên đang dạy các môn KHXH các chuyên đề gồm ngôn ngữ lời nói, ngôn ngữ hình thể, trò chơi trong giảng dạy, kỹ thuật ghi ảnh và dựng clip phục vụ giảng dạy, kỹ thuật sử dụng phần mềm Powerpoint và Prezi trong giảng dạy KHXH, hay phương pháp dạy văn trong nhà trường phổ thông, các bài tập tình huống, phương pháp học theo nhóm, công cụ dạy học ngoài trời, xây dựng giáo án thực tập thực tế trong chương trình học, bài giảng mẫu, tọa đàm, diễn kịch, phim ngắn... Sau khi giáo viên Đồng Tháp tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, những giảng viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM sẽ đánh giá, hỗ trợ giáo viên trong quá trình lên lớp.

Chia sẻ tiến độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH, bà Nguyễn Thúy Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Công tác tập huấn đổi mới phương pháp cho giáo viên đã xong. Vì vậy, tin rằng năm học 2014-2015, được học theo phương pháp mới, HS sẽ hứng thú hơn khi tiếp cận các môn KHXH. Khi yêu thích các môn KHXH, các em sẽ học tập tích cực hơn...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn