Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sẵn sàng cho kỳ thi đại học 2013

Cập nhật ngày: 01/07/2013 08:44:17

Đợt thi thứ nhất kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013 sẽ diễn ra vào tuần này (từ ngày 3 đến 5-7). Đến nay, về cơ bản công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được ngành GD-ĐT và các trường, các cụm thi hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra thành công, an toàn. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng như lời khuyên dành cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, công tác tổ chức thi ĐH-CĐ 2013 đã sẵn sàng?

Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay đã hoàn tất. Các hội đồng thi trên cả nước đã sẵn sàng đón thí sinh đến dự thi. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã có kế hoạch triển khai các phương án hỗ trợ cho kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Các đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đã bắt đầu ra quân giúp đỡ thí sinh từ các địa phương lên thành phố dự thi. Tất cả đã sẵn sàng cho một mùa thi tốt đẹp.

- Năm nay, đề thi sẽ được định hướng như thế nào?

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố thí sinh.

Riêng đối với đề thi các môn xã hội, việc ra đề thi theo hướng mở trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh và năm nay cũng sẽ được bộ tiếp tục áp dụng. Điều này sẽ góp phần điều chỉnh dần cách dạy, cách học ở bậc phổ thông. Cách học vẹt, học thuộc lòng... sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới. Do tính chất và yêu cầu của đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ, đề thi sẽ có những phần dễ để thí sinh học lực trung bình có thể làm được, có những phần tương đối khó dành cho thí sinh khá và có những câu khó dành cho những thí sinh giỏi và xuất sắc.

- Năm nay, Bộ GD-ĐT có tiếp tục cho phép thí sinh dự thi ĐH-CĐ được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình để tố cáo gian lận thi cử?

Đây là năm thứ hai Bộ GD-ĐT thực hiện quy định này (năm 2012 là lần đầu tiên). Quy chế tuyển sinh đã nêu rất rõ điều này, trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh cũng sẽ được phổ biến lại những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Theo đó, ngoài bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi trong danh mục quy định... để phục vụ cho việc làm bài, thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, Wifi, Bluetooth...) kể cả nhằm mục tiêu tố cáo gian lận thi cử.

Tuy nhiên, thí sinh cần ghi nhớ rõ, quy chế nghiêm cấm thí sinh mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận trong quá trình làm bài thi như iWatch, Google Glass... hay các thiết bị tương tự khác. Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức nếu mang vào phòng thi những vật dụng cấm dù đã sử dụng hay chưa sử dụng.

- Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện công tác giám sát kỳ thi như thế nào?

Bộ sẽ có các đoàn thanh tra lưu động thực hiện nhiệm vụ thanh tra thi của mình tại bất kỳ điểm thi nào trên cả nước và không báo trước. Ngoài ra, công tác thanh tra sẽ tiến hành cả trong công tác chấm thi (bộ sẽ chấm thẩm định như mọi năm); thanh tra công tác xét tuyển (được thực hiện sau khi các trường đã gọi thí sinh trúng tuyển nhập học). Nguyên tắc là bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường còn bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ. Những trường để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

- Như mọi năm, năm nay dư luận tiếp tục quan tâm đến công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập. Được biết, các trường ngoài công lập đề xuất phương án tuyển sinh riêng, vậy Bộ GD-ĐT quyết định như thế nào?

Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nói rõ, những đề án tuyển sinh riêng nào có tính khả thi cao, đảm bảo được sự công bằng và chất lượng nguồn tuyển, được xã hội đồng tình thì sẽ cho áp dụng thí điểm để nhân rộng.

Đề án tuyển sinh của các trường ngoài công lập trình lên bộ chủ yếu kết hợp xét tuyển điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều ý kiến của chuyên gia và dư luận xã hội chưa đồng tình với việc sử dụng kết quả học tập và thi tốt nghiệp ở bậc phổ thông để xét tuyển vào ĐH-CĐ do độ tin cậy còn thấp. Xã hội vẫn nghiêng về hướng phương án tuyển sinh riêng cần có ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội thừa nhận; nếu sử dụng kết quả thi “3 chung” thì phải lấy điểm sàn làm ngưỡng chất lượng tối thiểu.

Vì vậy, vừa qua bộ đã làm việc trực tiếp với từng trường có đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Tại các buổi làm việc này, các trường đã cùng với bộ trao đổi rất thẳng thắn và cởi mở để tìm phương án tuyển sinh riêng khả thi nhất. Ý kiến chung nhất sau các buổi làm việc này là các trường xây dựng lại phương án tuyển sinh riêng năm 2013 theo hướng chia thành 2 đợt tuyển sinh: đợt 1 (mùa thu), tuyển sinh theo phương thức 3 chung với điểm sàn theo quy định; đợt 2 (mùa xuân), các trường chủ động tổ chức thi riêng để tuyển bổ sung nếu đợt 1 chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Việc tổ chức thi đợt 2 có thể được thực hiện ở từng trường hay từng nhóm trường. Trong đợt thi bổ sung này, các trường chủ động hoàn toàn công tác đề thi, tổ chức thi, phương án xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng nguồn tuyển. Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện việc kiểm tra giám sát. Hiện tại bộ đang chờ các trường trình phương án tuyển sinh mới. Trước mắt, khi phương án tuyển sinh riêng chưa được phê duyệt, tất cả các trường tuyển sinh chung theo đúng quy chế hiện hành.

· Thứ trưởng BÙI VĂN GA

"Chuẩn bị bước vào kỳ thi, các em học sinh nên hệ thống lại kiến thức đã học ở bậc phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Hoàn toàn không nên đi học thêm, luyện thi mà phải tự mình kiểm tra lại kiến thức đã học bằng phương pháp riêng của từng người. Các em cần giữ gìn sức khỏe, nhất là các thí sinh từ các địa phương xa lên thành phố, điều kiện sinh hoạt thay đổi nhiều. Khi vào phòng thi, các em phải lưu ý chỉ mang những vật dụng được phép theo quy chế. Khi làm bài các em nên tìm những câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Các câu dễ có thể phân bố rải rác trong đề thi vì vậy các em cần lướt qua đề thi để làm chúng trước. Để làm bài tốt các em cần bình tĩnh, tự tin và có quyết tâm. Chúc các em có một mùa thi thật thành công"

LÂM NGUYÊN/SGGPO

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn