Tiếp tục kiến tạo các mô hình câu lạc bộ mới để bồi dưỡng và phát triển kỹ năng cho người học
Cập nhật ngày: 29/07/2020 15:08:21
ĐTO - Trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp có nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) của sinh viên (SV) hoạt động hiệu quả như: CLB tiếng Anh, CLB Kỹ năng và Tình nguyện, CLB SV khởi nghiệp, CLB Vườn ươm khởi nghiệp, CLB Best Seller, CLB Đọc sách và Không gian sách, CLB Văn học và Sáng tác trẻ; CLB SV nghiên cứu khoa học, CLB Chung sức, CLB Bảo tồn di sản, CLB Truyền thông – Sự kiện, CLB SV 5 tốt, CLB Đờn ca tài tử, CLB SV ngoại trú, CLB Vastband, cùng nhiều CLB học thuật khác ở các khoa. Từ kết quả hoạt động của những mô hình này, để tiếp tục bồi dưỡng và phát triển kỹ năng cho người học, cần kiến tạo thêm các mô hình mới với sự phối hợp đồng bộ từ phía nhà trường, giảng viên và người học.
Một hoạt động của Câu lạc bộ Vườn ươm khởi nghiệp (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đồng Tháp). Ảnh: Tư liệu
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức đánh giá và giảng dạy các kỹ năng, kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21 bao gồm 4 nhóm kỹ năng chính. Thứ nhất là nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ. Thứ hai là nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định và khả năng tự học suốt đời. Thứ ba là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm. Cuối cùng là kỹ năng sống (thích nghi) trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa.
Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng cần thành lập thêm các mô hình CLB mới và phù hợp với sở thích của người học, đồng thời mở các lớp huấn luyện kỹ năng cho SV, tổ chức các cuộc thi về chủ điểm của các kỹ năng... Trong điều kiện hiện nay, người viết đề xuất thành lập các CLB theo nguyện vọng của người học, nhưng có định hướng, có mục đích và chương trình hoạt động cụ thể. Người viết đề xuất “tên” một số CLB có thể thành lập mới là: CLB Nhà quản lý trẻ, CLB 4.0, CLB Doanh nhân tương lai, CLB Nhà giáo tương lai, CLB Kỹ năng sống, CLB Kết nối, CLB Chia sẻ, CLB Điền dã, CLB 3B (viết tắt của các chữ cái đầu tiên trong cụm từ “Better skills, Better jobs, Better lives”: Kỹ năng tốt hơn, Công việc tốt hơn, Cuộc sống tốt hơn)...
Song song đó, các trường cần đầu tư nhiều hơn cho công tác kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ quan, đơn vị (cần thiết có thể thành lập bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách công tác này); tăng cường mời giảng đối với các chủ doanh nghiệp, các cá nhân thành đạt... để giảng dạy, hướng dẫn các chuyên đề tự chọn và mang tính thực tiễn cho SV; tạo điều kiện để nhà tuyển dụng có thể cộng tác với tư cách “là một khâu” trong quy trình đào tạo. Làm được điều này, các trường sẽ vừa có thể liên kết, phối hợp công tác, vừa có thể tạo điều kiện cho SV tiếp cận với cơ hội việc làm sau khi ra trường, cơ hội thực hành nghề, có công việc làm bán thời gian, tìm kiếm học bổng và nguồn hỗ trợ đào tạo..., qua đó góp phần rất lớn trong công tác hỗ trợ rèn luyện kỹ năng cho người học.
Một số đơn vị và trường đại học đã áp dụng việc giao cho người học tự đứng ra chủ trì tổ chức một số hoạt động, kết quả cho thấy các bạn trưởng thành lên rất nhiều do các bạn tự rèn luyện được công tác lập kế hoạch, tổ chức, thể hiện, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, hiểu được sự phức tạp trong đời sống và công việc thực tế, từ đó tích lũy kinh nghiệm sống và kỹ năng tốt cho mình. Có thể việc thử nghiệm trao quyền chủ động cho SV tổ chức một số hoạt động là một quyết định có tính rủi ro, nhưng điều đó thật sự đáng giá.
Kỹ năng là thứ mà người muốn có được nó phải tập luyện rất lâu mới có thể thành thục, sau đó cần được tiếp tục bồi dưỡng và phát triển thêm trong môi trường phù hợp. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng: khi được trao cho cơ hội và niềm tin, các bạn SV nhất định sẽ phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo và nỗ lực hết mình để mang lại kết quả tốt nhất với tinh thần tự tôn cao nhất. Điều quan trọng hơn, thành quả mà nhà trường thu được sẽ là sự trưởng thành thực thụ của một thế hệ SV, góp phần khẳng định chất lượng và thương hiệu đào tạo của nhà trường đáp ứng nhu cầu xã hội.
HIẾU TRI