Giao ban lần II ngành Giáo dục vùng 6:

Tiếp tục nâng chất lượng để giáo dục ĐBSCL ngang bằng với cả nước

Cập nhật ngày: 01/07/2014 05:53:56

Năm học 2013-2014, ngành giáo dục 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả khả quan như tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hay có nhiều mô hình, sáng kiến góp phần phát triển ngành Giáo dục của vùng.

Thông tin trên được lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh thuộc vùng 6 (12 tỉnh ĐBSCL, trừ TP Cần Thơ) cho biết tại hội nghị giao ban lần II vừa được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị giao ban vùng 6 dưới sự chủ trì
 của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Học sinh bỏ học giảm hơn năm trước

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang (Trưởng vùng 6) cho biết, năm học qua, số lượng và tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học ở hầu hết các địa phương đều giảm so với năm học trước.

Cụ thể, năm học 2012- 2013 có đến 35.573 HS bỏ học (tỷ lệ 1,44%) thì năm học 2013- 2014 có 30.347 HS bỏ học (tỷ lệ 1,21%). Trong đó số HS bỏ học cao vẫn là HS bậc THCS với 15.976 HS và THPT với 10.266 HS. Dù có giảm so với năm học trước nhưng một số tỉnh vẫn còn có trên 2.000 HS bỏ học như An Giang: 6.700 HS, Kiên Giang: 5.170 HS, Sóc Trăng: 3.469 HS, Cà Mau có 2.983 HS, Đồng Tháp có 2.889 HS, Trà Vinh 2.115 HS…

Lãnh đạo các Sở GD-ĐT đánh giá, số HS bỏ học giảm, từ đó đã thể hiện sự quyết tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng HS bỏ học.

Theo các Sở GD- ĐT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS bỏ học chủ yếu là do các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân học lực kém, nhà ở xa trường điều kiện sông nước đi lại khó khăn, nhất là HS ở các xã vùng sâu, vùng ven biển. Một số hộ dân nghèo lo làm ăn xa, chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em hoặc phải để con em ở nhà phụ tiếp gia đình. Mặt khác, điều kiện và chất lượng giảng dạy, học tập còn hạn chế ở một số trường thuộc vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em dẫn đến tình trạng các em chán học, bỏ học.

Trước tình hình trên và để khắc phục tình trạng HS bỏ học, ngành Giáo dục các tỉnh ĐBSCL cho biết, ngành đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền xã hội hóa giáo dục, vận động các nguồn tài trợ tổ chức cấp phát học bổng, sách giáo khoa, tập vỡ, hỗ trợ HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HS nghèo, vượt khó; chỉ đạo các trường tăng cường công tác phụ đạo cho HS có học lực yếu kém; kết hợp với chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ HS, Hội Khuyến học, các ban ngành có liên quan thường xuyên theo dõi và kịp thời vận động đối tượng HS bỏ học trở lại trường hoặc vào các lớp bổ túc văn hóa ở phương, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được đến trường.

Qua những công tác khắc phục tình trạng HS bỏ học, ngành giáo dục các tỉnh cho rằng, sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương sẽ tạo chuyển biến tích cực đối với việc phòng ngừa và khắc phục tình trạng HS bỏ học; phát huy và nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa các môi trường giáo dục sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ HS bỏ học.

Nhiều mô hình sáng kiến hay

Năm học qua, ngành Giáo dục các tỉnh ĐSBCL đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến hay để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Như tỉnh An Giang thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn trong mỗi học kỳ, mỗi tổ chuyên môn có ít nhất một lần họp theo chủ đề theo hướng nghiên cứu bài học. Tỉnh Bạc Liêu quan tâm đến công tác phát hiện và bồi dưỡng HS năng khiếu, từ đó các hội thi thể dục - thể thao, văn hóa nghệ thuật cấp khu vực, toàn quốc thì thành tích, số lượng các giải cao và thứ hạng liên tục tăng lên. Tỉnh Đồng Tháp thực hiện đối thoại giữa các cấp quản lý với toàn thể đội ngũ nhà giáo và nhân dân; thực hiện “3 chung” trong việc tổ chức thi các môn chính ở các lớp phổ thông cuối cấp.

Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang tiếp tục duy trì hình thức đỡ đầu trường học và hoàn thành việc xây trường mầm non, mẫu giáo ở những xã, phường, thị trấn chưa có trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Tỉnh Kiên Giang thực hiện mô hình “Trường học mới” cấp Tiểu học cũng như lần đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức để có giáo viên chất lượng. Tỉnh Long An thực hiện việc quản lý dạy thêm học thêm với một số giải pháp để quản lý tốt hơn như tổ chức các đoàn thanh tra cắm chốt tại các địa bàn; kêu gọi các lực lượng xã hội và chính quyền địa phương cùng tham gia tuyên truyền và phổ biến thực hiện, hỗ trợ cho các trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm, học thêm.

Còn tỉnh Tiền Giang tập trung nâng cao chất lượng các phong trào, hội thi, từ đó các cuộc thi như HS giỏi, văn hay chữ tốt, giải toán máy tính cầm tay... đều đạt kết quả phấn khởi. Tỉnh Trà Vinh tăng cường tổ chức học 2 buổi/ngày nhằm cho HS dân tộc Khmer biết ít và chưa biết Tiếng Việt và đổi mới phương pháp dạy tiếng dân tộc, làm cho HS hứng thú học tiếng dân tộc hơn. Tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động phong phú ngoài trời, ngoại khóa đa dạng về hình thức, nội dung góp phần tích cực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc vận động thi đua trong ngành.

Còn những vướng mắc, trở ngại

Dù đạt được nhiều kết quả quan trong năm học qua nhưng ngành Giáo dục khu vực ĐBSCL vẫn còn những trở ngại, vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo lãnh đạo các Sở GD- ĐT, việc thực hiện kế hoạch, phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 vẫn còn gặp một số trở ngại lớn, rất khó hoàn thành tiến độ đề ra như các chương trình, kế hoạch của Chính phủ tạm ngưng triển khai, nên việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới không đạt. Dù nỗ lực nhưng các tỉnh khó đạt 45% - 50% trường chuẩn đạt quốc gia vào năm 2015; Không tuyển được giáo viên mầm non, mẫu giáo vào biên chế do chỉ tiêu biên chế bị “đóng băng”. Bên cạnh đó, chỉ tiêu huy động vào nhà trẻ cũng rất khó đạt được.

Công tác phổ cập giáo dục trung học không kịp tiến độ vào năm 2015 do đặc trưng tình hình kinh tế- xã hội của mỗi tỉnh gặp không ít khó khăn. Bộ chưa có quy định rõ về tiêu chuẩn đạt chuẩn, chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác phân luồng HS sau THCS; nguồn nhân lực qua đào tạo chưa đạt theo yêu cầu.

Các tỉnh đã nhiều lần đề nghị Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cụ thể hóa định mức biên chế thuộc Sở, Phòng nhưng đến nay vẫn chưa được cụ thể hoặc giao cho địa phương quyết định, trong khi đó việc thực hiện ở từng địa phương không giống nhau, phân cấp về quản lý giáo dục ở một số nơi vẫn chưa rõ ràng.

Và những kiến nghị

Trước những vướng mắc, trở ngại mà ngành Giáo dục các tỉnh ĐBSCL đang gặp phải, Sở GD-ĐT các tỉnh cùng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2013- 2015 nhằm thực hiện hoàn chỉnh mục tiêu kiên cố hóa các cơ sở giáo dục đào tạo.

Đề nghị xem xét và giãn lộ trình hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi hoặc giảm tiêu chí tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng nông nghiệp sản xuất nhỏ, vùng địa hình phức tạp, khó khăn. Đề nghị tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán về một số nội dung như nghiệp vụ kiểm định, đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, dạy tiếng Anh, tin học, các môn văn hóa, dạy nghề…

Với những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục các tỉnh trong năm học 2014 - 2015, các Sở GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng cường công khai các hoạt động trong giáo dục đào tạo, kiểm tra, thanh tra thường xuyên; khắc phục hạn chế, yếu kém trong bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; quan tâm sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Tiếp tục nâng cao chất lượng để giáo dục ĐBSCL ngang bằng với cả nước".

Phát biểu tại hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã biểu dương các tỉnh ĐBSCL đã có những hoạt động chung và riêng rất đa dạng và có hiệu quả tích cực, tạo bức tranh sôi động, phong phú cho ngành giáo dục của khu vực trong năm học qua.

Với các kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đã nêu lên một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho vùng.

Thứ trưởng Ga cho biết, năm học tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục vùng ĐBSCL, làm sao để chất lượng của vùng ngang bằng với chất lượng chung của cả nước. Tuy nhiên, việc đảm bảo độ bền vững cho việc duy trì chất lượng sẽ là thách thức rất lớn, trong bối cảnh hiện nay nguồn đầu tư cho giáo dục đào tạo, cho các mục tiêu khác bị cắt giảm sẽ là áp lực lớn cho việc nâng cao chất lượng.

“Nếu chúng ta chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì hết sức khó khăn. Do đó, đề nghị các địa phương ngoài dựa vào ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương thì cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong việc huy động các tổ chức xã hội để hỗ trợ cho ngành giáo dục đào tạo phát triển”, Thứ trưởng Ga yêu cầu.

Huỳnh Hải (Dân trí)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn