Cựu chiến binh Phạm Hồng Hải nỗ lực vượt khó
Cập nhật ngày: 01/03/2024 16:18:00
ĐTO - Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua, ông Phạm Hồng Hải (SN 1954) - hội viên Cựu chiến binh ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông chọn khởi nghiệp với nghề nuôi dê thương phẩm. Mỗi năm, ông Hải có thu nhập hơn 100 triệu đồng, giúp cuộc sống gia đình ổn định và vươn lên thoát nghèo.
Ông Phạm Hồng Hải - hội viên Cựu chiến binh ấp An Phú, xã An Long có thu nhập ổn định từ nghề nuôi dê thương phẩm
Trao đổi với chúng tôi về “cơ duyên” đến với nghề nuôi dê, ông Hải chia sẻ, trước đây, kinh tế gia đình quá khó khăn, cả gia đình ông phải sang Campuchia làm mướn sinh sống. Ngoài làm mướn, ông còn nuôi dê thương phẩm để có thêm thu nhập. Đến năm 2017, gia đình ông Hải trở về xã An Long, huyện Tam Nông sinh sống. Nhận thấy nghề nuôi dê thương phẩm cho thu nhập tốt nên ông Hải quyết định tiếp tục phát triển nghề nuôi dê thương phẩm.
Ông Hải cho biết, ban đầu, ông đầu tư làm chuồng và mua 4 con dê giống (3 con dê cái, 1 con dê đực) về nuôi. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên dê của ông chậm lớn, dễ bị bệnh và chết. Không nản chí, ông Hải tìm tòi, học tập kinh nghiệm nuôi dê qua sách, báo, đài và tìm đến các hộ nuôi thành công trong và ngoài huyện để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê thịt và dê sinh sản do huyện tổ chức để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Với những kiến thức tích lũy được, ông Hải quyết định không nuôi dê theo tập quán cũ mà chuyển sang áp dụng các kỹ thuật mới như: làm mùng cho dê ở tránh muỗi đốt, sát khuẩn chuồng trại thường xuyên, không để dê bị ướt. Ngoài ra, ông Hải còn mua 1 chiếc ghe để hàng ngày chở dê đến những cánh đồng cỏ trong, ngoài huyện cho dê ăn.
Theo ông Hải, một con dê nuôi khoảng 12 tháng là có thể cho phối giống để sinh sản. Mỗi năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Dê con nếu chăm sóc tốt thì khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 20 - 30kg và có thể xuất chuồng để bán dê thịt. Để tăng số lượng đàn dê, mỗi đợt bán dê, ông Hải chọn những con dê tốt giữ lại nuôi cho phối giống để gầy đàn. Nhờ được chăm sóc tốt và áp dụng đúng các kỹ thuật mà đàn dê của ông Hải phát triển nhanh. Từ 4 con dê ban đầu, đến nay, đàn dê của ông lên đến 200 con (chủ yếu là giống dê boer lai dê bách thảo), trong đó có 45 con dê bố mẹ, còn lại là dê con. Hiện nay, ông Hải bán 3 - 4 lứa dê thịt/năm. Ngoài bán dê thịt, ông còn bán dê giống, phân dê, giúp gia đình ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Hồng Hải bộc bạch: “Nghề nuôi dê thương phẩm cũng khá dễ, chi phí đầu tư ít, ai cũng có thể làm được. Dê là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu của dê là rau, cỏ, lá cây có sẵn trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, để dê ít bị bệnh, cần phải đầu tư làm chuồng trại kỹ lưỡng, trồng thêm cỏ để dự trữ cho dê ăn. Nhờ nghề nuôi dê thương phẩm, mấy năm qua, gia đình tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình đã vượt qua khó khăn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục phát triển nghề nuôi dê thương phẩm, đồng thời tích cực truyền kinh nghiệm nuôi dê, chia sẻ con giống cho các hội viên có nhu cầu nuôi dê để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống”.
Ông Phạm Phú Cường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Long, huyện Tam Nông, cho biết: “Ông Phạm Hồng Hải là một trong những hội viên tiêu biểu ở xã trong việc nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua mô hình nuôi dê thương phẩm của ông Hải đã tạo điều kiện cho các hội viên khác học tập, áp dụng để cải thiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, tấm gương vượt khó của ông Hải góp phần tạo động lực, lan tỏa ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống cho các hội viên còn khó khăn ở xã. Trong thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho ông Hải tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển nghề nuôi dê”.
MỸ XUYÊN