Cần giải quyết khó khăn về vốn và vùng nuôi để ngành thủy sản phát triển ổn định
Cập nhật ngày: 13/08/2012 07:56:54
Ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn đối với nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, bất ổn về nguyên liệu, vốn, vùng nuôi... nên chưa phát huy được tiềm năng lợi thế.
Liên kết xây dựng vùng nuôi tập trung là một trong những hướng
bền vững để phát triển ổn định ngành thủy sản
Ngành chế biến thủy sản của tỉnh được hình thành từ trước năm 2000, với 2 cơ sở có tổng công suất chưa đầy 5.000 tấn/năm, sau thời điểm trên, thị trường xuất khẩu thủy sản (cá tra) ngày càng mở rộng, lợi nhuận cao, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hoàn thành tạo thuận lợi mặt bằng cho đầu tư phát triển, nên ngành chế biến thủy sản có sự đầu tư phát triển mạnh về số lượng, trình độ công nghệ và qui mô sản xuất các nhà máy chế biến.
Cùng với nhịp độ đầu tư và các điều kiện thuận lợi về thị trường, sản lượng thủy sản chế biến có sự tăng trưởng nhanh qua từng năm và đặc biệt vào năm 2007 - 2008. Từ đó, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp (từ 43-63%), sự phát triển của lĩnh vực chế biến thủy sản có vai trò chủ chốt, quyết định sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp (bình quân hơn 20%/năm). Sản lượng và giá trị sản xuất chế biến thủy sản tăng từ 31.612 tấn và giá trị đạt 1.405 tỷ đồng vào năm 2006, tăng lên 177.549 tấn vào năm 2011 với giá trị đạt 7.989,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 14%/năm.
Tuy sản xuất chế biến thủy sản có sự phát triển nhanh và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, nhưng các năm gần đây ngành gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh, nên đến nay vẫn chưa phát huy hết năng lực sản xuất. Thực tế là từ đầu năm 2012 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng cao, thiếu vốn, việc thu mua nguyên liệu không thuận lợi... nên tình hình sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn làm cho sản lượng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2012 đạt 81.707 tấn, chỉ tăng 2,63% so với cùng kỳ.
Theo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn hiện nay. Trong đó, nguồn vốn và vùng nuôi là 2 nguyên nhân chính. Nếu tính đến năm 2011, Đồng Tháp đã có 26 dự án hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 429.200 tấn/năm và tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. So với năm 2000, số dự án và công suất chế biến đã tăng lên nhiều lần, trong khi vùng nguyên liệu tập trung đầu tư, mở rộng rất ít, phần lớn chỉ là những hộ sản xuất manh mún và nhỏ lẻ. Dẫn đến tình trạng các dự án đầu tư vẫn chưa phát huy hết năng lực sản xuất, chỉ đạt từ 50% công suất.
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành thủy sản thời gian qua lâm vào tình trạng khó khăn phải ngưng hoạt động là do chủ chương đầu tư quá dàn trải, dẫn đến thực trạng khi thị trường xuất khẩu khó khăn, những doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính sẵn sàng phá giá thị trường, bán sản phẩm với giá thấp và làm mất cạnh tranh của ngành thủy sản. “Nếu quy hoạch tốt ngành thủy sản, loại bỏ dần những DN yếu, làm ăn không hiệu quả thì trong thời gian tới ngành thủy sản sẽ phát triển mạnh mẽ hơn” - ông Hùng khẳng định.
Về chính sách vốn đầu tư, đại diện Công ty cổ phần thương mại thủy sản Á Châu cho rằng, để doanh nghiệp duy trì được sản xuất, các ngân hàng cũng cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm tốt, có đầu tư chiều sâu hoặc hỗ trợ một trong 4 liên kết của chuỗi liên kết 4 nhà sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về vốn sản xuất cho doanh nghiệp và người nuôi. Đặc biệt, việc giải quyết tốt quy hoạch ngành thủy sản bao gồm công tác tổ chức sản xuất, quản lý đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, liên kết giữa người nuôi trồng và doanh nghiệp... là yếu tố quan trọng để ngành thủy sản phát triển ổn định.
Thảo Vy