Cánh đồng mẫu lớn - cần có hướng đi phù hợp

Cập nhật ngày: 26/10/2012 13:55:12

Những năm gần đây, Đồng Tháp đã từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bằng Đề án “Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại”. Mô hình này bước đầu đã mang lại kết quả khả quan: giảm được giá thành sản xuất, năng suất, lợi nhuận cao; doanh nghiệp thu sản lượng lúa lớn, chất lượng cao... Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững cần có hướng đi phù hợp.


Cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh

Mô hình ưu việt

Mô hình cánh đồng hiện đại (CĐHĐ) ở Đồng Tháp triển khai đầu tiên ở vụ đông xuân năm 2008-2009 tại hợp tác xã (HTX) Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông), HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười), Đoàn kinh tế quốc phòng 959 (huyện Tân Hồng) và HTX Dịch vụ nông nghiệp số 1 Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự). Mô hình do Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện, với sự tham gia của 594 hộ, diện tích thực hiện 894ha.

Qua thực hiện mô hình cho thấy, lượng giống gieo sạ giảm, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm, giá thành sản xuất thấp, năng suất đạt gần 8 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất bình thường. Mô hình tạo được sự đồng thuận của người dân, từ đó số hộ và diện tích tham gia tăng lên theo từng năm. Năm 2011, diện tích thực hiện CĐHĐ của tỉnh tăng lên 3.700ha. Đến vụ đông xuân năm 2012, tỉnh đã mở rộng mô hình CĐHĐ lên 23 cánh đồng với diện tích 17.127ha ở các huyện: Tân Hồng, Tháp Mười, Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông và Hồng Ngự, đồng thời đổi tên thành cánh đồng mẫu lớn (CĐML).

Mô hình gắn kết với tiêu thụ sản phẩm và các đơn vị kinh doanh như: Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Docimexco, Công ty Tam Nông, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang... Nhìn chung, thực hiện CĐML bước đầu đã giải quyết thỏa đáng bài toán cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, nâng tầm sản xuất, xuất khẩu đã có lời.

Tuy nhiên, để có thể phát triển, nhân rộng mô hình CĐML theo đúng định hướng, nhằm đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, cần nhìn nhận lại và có hướng đi phù hợp.

Còn bất cập

Trong vụ đông xuân năm 2012, HTX Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) đại diện nông dân ký hợp đồng bao tiêu 400ha lúa Jasmine với Công ty cổ phần Docimexco. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng ghi nhớ, không có sự ràng buộc giữa 2 bên. Cho nên khi giá lúa sụt giảm, Công ty đã tìm mọi cách “bỏ rơi” nông dân. Nông dân phải bán lúa cho thương lái đi kèm với điệp khúc “trúng mùa mất giá”...

Chính vì lẽ đó, thực tế tại các địa phương có xây dựng CĐML, chính quyền, nông dân đều không tin tưởng ở hợp đồng đã ký với doanh nghiệp (DN). Bởi vì chỉ khi nào DN có nhu cầu thật sự mới mua, còn không thì đưa ra rất nhiều lý do như: lúa ướt, độ ẩm cao, gãy... để “bẻ kèo”. Ông Phùng Công Thanh - Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho rằng: “Nông dân xây dựng mô hình CĐML sản xuất lúa chất lượng cao nhưng cuối cùng đã không được DN thu mua dù đã được ký hợp đồng bao tiêu. Chính việc này đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc vận động nông dân xây dựng mô hình CĐML trong những vụ sau”.

Theo thống kê, cả tỉnh có đến trên 17.127ha diện tích lúa thực hiện CĐML, nhưng số diện tích được DN thu mua chỉ bằng 1/3. Vì thế, nông dân vẫn phải bán lúa trong tình cảnh bấp bênh, giá cả không ổn định và khó khăn lớn nhất hiện nay ở mô hình này là “bài toán” đầu ra sản phẩm của nông dân.

Cần có hướng đi phù hợp

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân hợp đồng giữa DN và nông dân không thực hiện được là do 2 bên chưa thống nhất ở nhiều điểm như: thời điểm thu hoạch, phương thức vận chuyển, số lượng thu mua, độ ẩm lúa... Bên cạnh đó, trong mối liên kết của “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chưa có một “trọng tài” trung gian, phân xử những tranh chấp khi hợp đồng bị đỗ vỡ, cho nên khi xảy ra sự không thống nhất thì nông dân vẫn là người chịu thiệt.

Để khắc phục những hạn chế trong liên kết và tiêu thụ nông sản, ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Hiện tỉnh đang có chủ trương thay thế CĐHĐ, CĐML bằng cánh đồng liên kết (CĐLK) bắt đầu từ vụ đông xuân 2012-2013. Về mặt đầu tư hạ tầng sản xuất, kỹ thuật canh tác không có gì khác so với CĐML, nhưng thực hiện CĐLK sẽ thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong đó, Sở NN&PTNT sẽ giao cho từng địa phương có triển khai CĐLK đứng ra làm cầu nối ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản giữa DN và nông dân, đồng thời làm “trọng tài” trung gian phân xử những tranh chấp giữa DN và người dân.

Để chủ trương xây dựng mô hình CĐLK có hiệu quả, trước mắt Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội thảo tại các địa phương có thực hiện CĐML, mời các chủ nhiệm HTX, người nông dân bàn về hợp đồng, phương thức thu mua, giá cả... đối với từng loại hợp đồng. Tổ chức cử cán bộ ngành phối hợp với cán bộ chuyên môn của DN họp dân để thực hiện theo các tiêu chuẩn của DN đề ra. Đồng thời, tổ chức và sắp xếp lại các THT, HTX phù hợp với thực trạng, nhu cầu, vừa đáp ứng được xuất khẩu và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đặc biệt, chọn và kêu gọi những DN uy tín có đầu tư vùng nguyên liệu, lò sấy, kho chứa lúa liên kết để hạn chế tình trạng bất cập như thời gian qua. Điều quan trọng là làm sao giữ được chữ tín trong liên kết.

Tuy chưa đi sâu thực hiện mô hình, nhưng thời gian qua có một số DN đã thực hiện khá tốt khâu liên kết tiêu thụ nông sản với người dân. Điển hình là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà và Công ty cổ phần BVTV An Giang. Vụ hè thu năm 2012, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà đã tiến hành liên kết và bao tiêu 700ha diện tích lúa ở 2 HTX Tân Tiến và Phú Bình, (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) với giá mua 5.300 đồng/kg, cao hơn thị trường 200 đồng/kg, Công ty cổ phần BVTV An Giang bao tiêu 153ha diện tích lúa ở thị xã Hồng Ngự, Thanh Bình và Tam Nông theo chương trình “Cùng nông dân ra đồng”. Thành công của việc liên kết bao tiêu lúa của 2 Công ty này đã đem đến nhiều hy vọng cho người nông dân.

Theo kế hoạch vụ đông xuân năm 2013, Công ty Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà chuyển từ việc chỉ thực hiện bao tiêu sang hình thức đầu tư giống, vật tư nông nghiệp nhằm liên kết chặt chẽ với nông dân ngay từ đầu. Đồng thời, Công ty sẽ nâng diện tích thực hiện từ 700ha lên 2.000ha tại các huyện Tân Hồng, Tam Nông và Cao Lãnh. Riêng Công ty Bảo vệ thực vật An Giang sẽ mở rộng mô hình “Cùng nông dân ra đồng” trên địa bàn tỉnh với diện tích gần 6.000ha. Bên cạnh đó, công trình kho chứa lúa và nhà máy sấy do công ty đầu tư trên địa bàn huyện Tân Hồng đang xây dựng với khối lượng trên 40.000 tấn sẽ góp phần giải quyết lượng lớn diện tích lúa ở các huyện đầu nguồn và một số huyện phía Nam sông Tiền. Qua đây có thể thấy phần nào giải quyết được bế tắc về khâu vận chuyển, sấy khô, kho tồn trữ.

Ông Dương Nghĩa Quốc cho biết thêm: “Tuy chỉ mới là những bước đầu “chập chững” trong khâu liên kết tiêu thụ nông sản, tuy nhiên hiệu quả từ sự liên kết của nông dân và DN trong thời gian qua cho thấy, việc liên kết đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, đặc biệt là người nông dân. Trong tương lai, đây sẽ là hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp Đồng Tháp, là nội dung quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh dự kiến triển khai trong năm 2013”.

Mỹ Nhân - Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn