Chế biến khô cá lóc bằng hệ thống sấy
Cập nhật ngày: 10/06/2013 05:05:50
Công ty cổ phần Tứ Quý (tọa lạc tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) vừa đưa vào hoạt động cơ sở chế biến cá khô bằng hệ thống sấy sạch. Đây là công nghệ của Mỹ gồm máy sấy, máy chiếu xạ tiệt trùng bằng tia cực tím, máy đóng gói hút chân không.
Cá lóc được đưa qua hệ thống sấy
Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty cho biết, xã Phú Thọ có vùng nuôi cá lóc rất lớn. Để giúp người nuôi tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm khô sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống sấy với công suất 500kg cá tươi cho ra khoảng 140kg cá khô mỗi ngày.
Sau khi qua máy chiếu xạ tiệt trùng, các sản phẩm của Công ty được đóng gói trong bao bì hút chân không giúp kéo dài thời gian bảo quản, có mã vạch, được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm đạt yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục ở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Sản phẩm khô cá lóc và cá sặc rằn
Trong giai đoạn đầu, Công ty chỉ sản xuất khô cá lóc và cá sặc rằn. Trong thời gian sắp tới, Công ty sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng lên 2.000m2, đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất, tạo thêm các sản phẩm mới như khô cá bông, các chạch và cá tra phồng. Sản phẩm của Công ty được đưa đi tiêu thụ trong cả nước, nhất là các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
Huyện Tam Nông là nơi có vùng nuôi cá lóc lớn nhất của tỉnh với diện tích hơn 60ha. Sắp tới, huyện có kế hoạch mở rộng vùng nuôi lên 200ha. Việc đầu tư cơ sở chế biến khô qua hệ thống sấy giúp cho người sản xuất không bị lệ thuộc vào thời tiết, đồng thời góp phần tiêu thụ cá lóc nguyên liệu và cung cấp cho người tiêu dùng có sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
TP