Chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch
Góp phần giảm thất thoát, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 27/07/2012 14:22:39
Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Các chính sách này phù hợp với nhu cầu của nông dân, được nông dân đồng tình hưởng ứng. Một số chương trình, mô hình khuyến nông, khuyến ngư đã thực hiện đạt hiệu quả và được nhân rộng.
Đầu tư cơ giới hóa làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg và Quyết định số 2213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã có 30 hộ vay với tổng số tiền 3,657 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 1049/QĐ-UBND.HC ngày 20-7-2006 về việc phê duyệt dự án đầu tư máy thu hoạch lúa và máy sấy lúa tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2006-2007, đã giải ngân đầu tư 132 máy, trong đó có 62/65 máy GĐLH; 39/60 máy gặt xếp dãy, 31/80 máy sấy, tổng số vốn vay là 5,628 tỷ đồng, đạt 93,81% so với chỉ tiêu dự án (6 tỷ đồng); Quyết định số 1774/QĐ của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư máy thu hoạch lúa và máy sấy lúa giai đoạn 2008 -2009 giải ngân 312 máy các loại gồm: 223 máy GĐLH, 48 máy gặt xếp dãy và 41 máy sấy, tổng vốn đã giải ngân 42,3 tỷ đồng; Quyết định số 1531/QĐ của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, đã giải ngân được 199 máy GĐLH; thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Sở NN&PTNT và Ngân hàng, chương trình đầu tư 200 máy GĐLH trong 2 năm 2010 - 2011, đã giải ngân được 113 máy; hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân mua máy GĐLH giai đoạn 2008-2011 với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất vay 3 năm là 8.838,2 triệu đồng; Quyết định số 833/QĐ- của UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển lò sấy lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2013, đã giải ngân 4 lò sấy ở huyện Tam Nông.
Chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh đã có tác động tích cực đối với sản xuất nông nghiệp, làm gia tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa lên trên 65%, tỷ lệ lúa qua sấy vụ hè thu đạt trên 38% sản lượng, góp phần giảm thất thoát và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, chính sách còn một số hạn chế khi các thiết bị, máy móc được hưởng chính sách với tỷ lệ nội hóa trên 60%, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên hiệu quả mang lại chưa cao, trong khi đó máy gặt của Nhật tính năng hoạt động tốt và hiệu quả hơn giá lại cao, nông dân có nhu cầu đầu tư nhưng không có đủ khả năng thế chấp để vay vốn. Mặt khác, hệ thống các trang thiết bị đi kèm với máy gặt đập liên hợp hoặc lò sấy có tính quan trọng và giá trị lớn nhưng chưa được hỗ trợ cho vay vốn như phà vận chuyển máy gặt, xe tải lúa từ ruộng ra kinh, sân phơi lúa; các thiết bị cần thiết cho lò sấy như hệ thống nhà bao che, băng tải, vít tải lúa..., Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét cho bổ sung các thiết bị đi kèm với máy gặt và lò sấy lúa được hỗ trợ vốn vay. Đồng thời, nghiên cứu có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với việc đầu tư máy móc, thiết bị ngoại nhập có tính năng hoạt động tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
AQ