Cô Trần Thị Ngọc Điệp - nông dân sản xuất giỏi, nhiệt tâm làm từ thiện

Cập nhật ngày: 05/12/2024 10:50:55

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241205105157dt2-4.mp3

 

ĐTO - “Tận tâm, nhiệt tình” là lời ngợi khen của nhiều người dân xã Tân Quới, huyện Thanh Bình dành cho cô Trần Thị Ngọc Điệp (SN 1957) - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Quới, thành viên Ban Kiểm soát Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đất Ngọt (xã Tân Quới, huyện Thanh Bình). Với tấm lòng nhân ái, cô Điệp được xem là “bà tiên” trong lòng người nghèo khó của địa phương. Cô là người đi đầu và truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch.


Cô Trần Thị Ngọc Điệp (bên phải) tặng suất ăn hỗ trợ người nghèo ở xã Tân Quới, 
huyện Thanh Bình

Chung tay phát triển nông nghiệp quê hương

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến khu canh tác xoài cách nhà cô Điệp khoảng vài trăm mét. Giữa cái nắng chang chang, cô Điệp cười tươi vẫy tay chào và mở đầu câu chuyện: “Quá trình làm nông nghiệp, tôi nhận thấy bà con nông dân còn canh tác theo kiểu lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, tác động trực tiếp đến năng suất cây trồng. Hơn nữa, xu hướng hiện nay là canh tác thuận theo tự nhiên, tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ, an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường. Do đó, tôi suy nghĩ cần góp phần thay đổi nhận thức của người dân để hướng đến phát triển bền vững”.

Năm 2018, cô Điệp cùng các thành viên thành lập Hội quán Đất Ngọt với 61 thành viên, chủ yếu sản xuất xoài với khoảng 50ha. Hội quán ra đời với mục đích tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, liên kết, giúp đỡ nhau trong phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo cô Trần Thị Ngọc Điệp, chỉ có sản xuất hữu cơ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ sức khỏe của người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường mới đem lại sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp hiện đại. Qua thời gian, các thành viên Hội quán Đất Ngọt bắt đầu gặt hái được thành công từ canh tác hữu cơ. Mặc dù hiệu quả kinh tế chưa thể bứt phá mạnh, nhưng cây trồng, sản lượng đều phát triển ổn định và bền vững, quan trọng hơn là môi trường đất, nước được bảo vệ khi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.

Qua trao đổi, tham quan các khu vườn canh tác xoài, ai cũng nhận thấy, với vai trò đứng đầu Hội quán Đất Ngọt, cô Trần Thị Ngọc Điệp đã cùng nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong, ngoài nước, mở rộng tiêu thụ. Với mục tiêu nâng cao giá trị cho cây xoài, Hội quán Đất Ngọt xây dựng một quy trình sản xuất: Nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, ghi chép lại đầy đủ quá trình phát triển của cây xoài.

Sau thời gian hoạt động, Hội quán Đất Ngọt đã đi lên thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Đất Ngọt. Trong đó, cô Trần Thị Ngọc Điệp tham gia với vai trò thành viên Ban Kiểm soát HTX. Hiện, HTX có 49 thành viên, sản xuất xoài cát hòa lộc, Đài Loan... với hơn 80ha. Trong đó, số diện tích đạt chuẩn theo hướng VietGAP là 22ha; diện tích có mã số vùng trồng là gần 90ha. Quan trọng hơn hết, sản phẩm xoài của HTX đã xuất khẩu sang thị trường các nước New Zealand, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Mỹ... với sản lượng từ 10 - 20 tấn/tháng.

Ông Trần Quang Bửu - thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đất Ngọt, chia sẻ: “Trước đây, vườn xoài của gia đình tôi canh tác theo phương thức cũ, năng suất thấp. Sau khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng hơn 30% so với cách làm cũ. Bên cạnh đó, tôi tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất nhờ sử dụng phân bón hợp lý theo hướng an toàn, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật...”.

Ông Lê Thanh Quy - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đất Ngọt chia sẻ: “Nông dân trong HTX áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất xoài theo tiêu chuẩn an toàn, năng suất tăng khoảng 30 - 40%. Bên cạnh đó, nông dân tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất nhờ tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý theo hướng an toàn, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Việc tham gia HTX và dưới sự hỗ trợ của cô Điệp đã giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Ông Đặng Thanh Bình - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Quới (huyện Thanh Bình), cho biết: “Trong suốt quá trình hoạt động, tư duy của cô Điệp luôn đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần tập thể, góp phần giúp HTX Dịch vụ nông nghiệp Đất Ngọt từng bước đi lên, khai thác lợi thế vùng đất nông nghiệp địa phương. Qua đó, hàng năm đều mang lại lợi nhuận cho xã viên, góp phần từng bước phát triển cây xoài của xã đi vào chiều sâu...”.


Cô Trần Thị Ngọc Điệp (bên phải) luôn tâm huyết với việc nâng cao giá trị cho cây xoài

Vận động từng phần quà cho trẻ em nghèo

Không dừng lại ở việc làm nông nghiệp giỏi, là giáo viên về hưu, cô Trần Thị Ngọc Điệp còn lan tỏa tấm lòng thiện nguyện vì người nghèo - cô được nhiều người biết đến là một nhà giáo có tấm lòng nhân ái. Hơn 10 năm qua, cô Điệp luôn năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện, vận động kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống hiếu học, cô Điệp không ngừng phấn đấu để theo đuổi đam mê trở thành cô giáo, gieo những con chữ cho bao thế hệ học trò. Trong cuộc sống, chứng kiến nỗi vất vả của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nên cô đã ấp ủ một kế hoạch cho riêng mình. Đó là vận động các cá nhân, bạn bè, các thế hệ học sinh cùng chung tay hỗ trợ những mảnh đời kém may mắn.

Sau lần đầu đứng ra kêu gọi ủng hộ tặng quà cho những học sinh nghèo vào năm 2012, nhìn niềm vui của các em khi nhận được món quà - như nguồn động lực giúp cô Điệp thêm hăng say và mở rộng quy mô hoạt động tình nguyện, từ thiện. Chia sẻ về việc làm của mình, cô Trần Thị Ngọc Điệp nói: “Tân Qưới là xã cù lao thuộc huyện Thanh Bình, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, trong tâm tôi luôn ấp ủ nguyện vọng sẽ dùng sức nhỏ bé của mình để kêu gọi các mạnh thường quân chia sẻ, giúp những hoàn cảnh này vơi bớt khó khăn”.

Theo cô Điệp, ban đầu việc làm thiện nguyện gặp nhiều khó khăn, kêu gọi ủng hộ không được nhiều. Sau hơn 1 năm, khi việc làm của cô được nhiều người biết đến thì sự ủng hộ ngày càng nhiều. Hơn 10 năm qua, cô Trần Thị Ngọc Điệp đã kêu gọi và nhận được nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Đầu năm học hay dịp Tết đến, cô lại kêu gọi mọi người hỗ trợ các em học sinh nghèo có sách vở, quần áo để các em được đến trường và có một cái Tết đủ đầy. Nghe nơi nào có trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, cô đều tìm đến hỗ trợ.

Điển hình như trường hợp của bà Trần Thị Tươi ngụ ấp Thượng, xã Tân Quới. Nhiều năm qua, bà Tươi bươn chải nhiều nghề để nuôi cháu ngoại, cuộc sống luôn thiếu thốn. Trước hoàn cảnh khó khăn, cô Điệp vận động mạnh thường quân hỗ trợ tiền, quà, giúp bà Tươi có vốn làm ăn sinh sống. Bà Tươi chia sẻ: “Thời gian đó, tôi tưởng mình không thể gồng gánh gia đình. Nhờ sự kêu gọi giúp đỡ của cô Điệp mà tôi vượt qua khó khăn”.


Cô Điệp (bìa trái) thường xuyên đến thăm, động viên các hoàn cảnh khó khăn trong xã

 Hơn 10 năm làm thiện nguyện, cô Trần Thị Ngọc Điệp vận động trên 3 tỷ đồng giúp đỡ gần 5.000 lượt người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo. Cô Điệp tổ chức đưa nhiều trẻ em khuyết tật bẩm sinh đi chữa trị tại TP Hồ Chí Minh; phát thẻ bảo hiểm y tế; trao tặng hàng ngàn xe lăn; trợ cấp học bổng, tập sách, quần áo cho hàng trăm học sinh nghèo vượt khó...

Ông Trương Thanh Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Thanh Bình, cho biết: “Nhiều năm qua, cô Trần Thị Ngọc Điệp đã tự nguyện đóng góp tiền, công sức để giúp đỡ nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Tấm lòng nhân ái của cô lan tỏa đến cộng đồng và được nhiều người đóng góp cùng cô làm thiện nguyện. Qua đó, góp phần hỗ trợ người nghèo sớm vượt qua khó khăn, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn