Chi trả dịch vụ môi trường rừng:
Còn lắm những khó khăn
Cập nhật ngày: 08/07/2013 04:23:20
Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ra đời được 3 năm, thế nhưng nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, lúng túng trong việc triển khai thực hiện, trong đó có tỉnh Đồng Tháp.
Một số khu di tích, khu du lịch của tỉnh là đối tượng có hưởng lợi
từ dịch vụ môi trường rừng
Chi trả DVMTR xem như một bước ngoặt chính sách đối với nghề rừng trên địa bàn tỉnh nói riêng và các địa phương có thế mạnh về rừng trong cả nước nói chung. Việc bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng là các dịch vụ mà con người đang thụ hưởng. Từ trước đến nay, con người đã và đang sử dụng "miễn phí" tất cả các dịch vụ mà môi trường rừng mang lại.
Do vậy, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng và hưởng thụ các loại DVMTR phải có trách nhiệm chi trả tiền DVMTR. Nghị định 99 ra đời với mục tiêu "Lấy rừng nuôi rừng". Các chủ rừng (đối tượng được chi trả) sẽ sử dụng khoản phí do các đối tượng chi trả DVMTR đóng góp vào các hoạt động bảo vệ, cải tạo lại rừng.
DVMTR là giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đời sống của nhân dân, bao gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng. Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội. Hấp thụ và lưu giữ cacbon, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch. Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
Theo quy định, ở Đồng Tháp đối tượng được thụ hưởng và buộc phải chi trả tiền DVMTR là các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch. Cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng trực tiếp nguồn nước; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR; các đối tượng sử dụng nguồn nước từ rừng để nuôi trồng thủy sản. Đối tượng được chi trả tiền là chủ của các khu rừng có cung ứng DVMTR.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, kể từ khi Nghị định số 99/2010/NĐ-CP có hiệu lực, địa phương đã sớm bắt tay vào triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR, địa phương đã gặp phải không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, do diện tích đất có rừng toàn tỉnh chỉ khoảng hơn 6.660ha. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm trên 2.600ha, rừng phòng hộ gần 1.215ha, còn lại là rừng sản xuất. So với nhiều địa phương khác trong cả nước, diện tích rừng của Đồng Tháp hạn chế.
Mặt khác, đa phần các khu rừng của tỉnh thường phân bố rải rác không nằm trên lưu vực chính các dòng sông nên việc xác định lưu vực sông được điều tiết bởi các khu rừng có loại dịch vụ theo quy định rất khó. Các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định của các Bộ, ngành chưa đầy đủ cũng làm cho đơn vị thực hiện gặp nhiều lúng túng và chưa thể tiến hành những bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Thế Hanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, chi trả DVMTR là một công việc hoàn toàn mới mẻ, khó khăn và phức tạp. Hiện nay, tỉnh chỉ mới bắt đầu ở công tác chuẩn bị, dự thảo đề án. Để có đủ cơ sở thực hiện tốt nghị định, cần có các văn bản, thông tư hướng dẫn bổ sung từ các bộ, ngành có liên quan. Ngoài ra, cấp trên cần tổ chức các hội nghị hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 99 nhằm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn hiện tại.
Trên thực tế, chính sách chi trả DVMTR ra đời sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, tái tạo lại nguồn tài nguyên rừng vô giá của nhân loại. Đây là một việc làm thiết thực và ý nghĩa thể hiện ý thức, trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Nếu như việc chi trả DVMTR được thực hiện sẽ tạo điều kiện cho các chủ rừng có thêm kinh phí để quản lý, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn đối với nguồn tài nguyên rừng của địa phương trong tương lai...
Nhựt An