Để các sản phẩm nông sản thế mạnh phát triển
Cập nhật ngày: 04/09/2013 05:55:36
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, ớt Thanh Bình, cá tra giống huyện Hồng Ngự, khô cá lóc Tràm Chim - Tam Nông đang từng bước khẳng định mình trên thị trường. Để các sản phẩm vượt qua khó khăn, cần có lộ trình và những chất xúc tác cần thiết …
Sản phẩm khô cá lóc của Hợp tác xã thương mại dịch vụ chợ Tràm chim
Trong thời gian qua, các sản phẩm thế mạnh cây ăn trái đã có những bước tiến quan trọng trong việc chinh phục thị trường qua việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, bước đi cần thiết để khẳng định thương hiệu sản phẩm. Nhằm định hướng sản xuất bền vững cho sản phẩm thế mạnh, các đơn vị đã chọn hình thức kinh tế hợp tác để đầu tư mở rộng theo hướng tập trung, quy mô lớn. Chính nhờ những yếu tố trên, sản phẩm ăn trái đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Theo thống kê, hàng năm, sản lượng xoài cung ứng cho thị trường 75.000 tấn/năm. Trong đó, có cả thị trường nước ngoài như: Nhật (công ty Yasaka), Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đối với ớt Thanh Bình, sản phẩm được tiêu thụ thị trường nội địa là 30%, phần còn lại xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Campuchia. Riêng sản phẩm khô cá lóc Tràm Chim cung cấp trên 50 tấn sản phẩm/năm cho thị trường trong nước (1,5 tấn sản phẩm khô sản xuất theo đơn đặt hàng, các siêu thị và chợ đầu mối).
Đối với cá tra giống huyện Hồng Ngự, để có thể đáp ứng cho nhu cầu thị trường về chất lượng, tỉnh đã thực hiện dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng thay cho đàn cá bố mẹ chất lượng thấp. Thời gian qua, tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ 33.500 con cá tra hậu bị đã cải thiện di truyền, phân bổ cho 29 cơ sở sản xuất giống cá tra có đủ điều kiện sản xuất, góp phần cho sản phẩm ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm chủ lực vẫn có nhiều trở ngại để có thể vươn mình khi công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được quan tâm thực hiện đồng bộ. Riêng sản phẩm xoài, quýt hồng, ớt, hình thức kinh tế hợp tác với quy mô sản xuất nhỏ nên chưa đủ sản lượng cung ứng cho chế biến hoặc xuất khẩu. Hiện nay, hạn chế đáng quan tâm nhất là năng lực quản lý của hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), nên chưa thể là đối tác chính cho các doanh nghiệp trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém, sản phẩm chỉ dừng lại sơ chế và đóng gói, thiếu hoạt động bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được đẩy mạnh thường xuyên, mẫu mã, bao bì sản phẩm đơn sơ, chưa gây ấn tượng cho người tiêu dùng...
Tháo gỡ những khó khăn đó, giúp các sản phẩm sản xuất theo chiều sâu, kết duyên bền chặt với người tiêu dùng, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng này giúp các sản phẩm chủ lực phát triển. Trên tinh thần đó, tỉnh tiến tới xây dựng quy hoạch chi tiết đối với sản phẩm đặc thù gắn với thương hiệu. Xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất theo thương hiệu, đồng thời hỗ trợ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất.
Điều kiện cần giải quyết bài toán thị trường mà tỉnh tiến hành thực hiện là xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, từng bước vận hành theo chuỗi ngành hàng. Trong đó, đẩy mạnh mối quan hệ giữa Hợp tác xã - Doanh nghiệp - Nông dân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổn định, hướng đến phát triển bền vững cho các sản phẩm đặc thù. Kế hoạch cũng yêu cầu, đối với các ngành hữu quan cần đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới mẫu mã tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất theo qui trình ưu việt, đặc biệt chú ý công nghệ sau thu hoạch...
Vốn là tiêu chí quan trọng để "tiếp sức" cho các sản phẩm của địa phương phát triển. Theo đó, vốn ngân sách tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, nâng cấp thiết bị chế biến... Đối với HTX, THT và nông dân tham gia đối ứng thực hiện các tái chứng nhận, tham gia đối ứng thực hiện mua sắm các thiết bị phục vụ, huy động vốn tham gia tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ...
K.D