Đồng hành cùng phụ nữ trên hành trình số hóa

Cập nhật ngày: 21/10/2024 13:30:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241021013150dt2-3.mp3

 

ĐTO - Thương mại điện tử (TMĐT) đang làm thay đổi sâu sắc thói quen mua sắm của khách hàng. Sự tiện lợi và đa dạng của các kênh bán hàng trực tuyến tạo nên cuộc cách mạng tiêu dùng. Nắm bắt xu hướng này, thời gian qua, nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tháp Mười đưa sản phẩm bản địa, chế biến tại địa phương lên các sàn TMĐT. Hướng đi này giúp hội viên tăng thu nhập, góp phần quảng bá hình ảnh và giá trị sản phẩm địa phương.


Chị Trần Thị Trinh - chủ Cơ sở sản xuất - kinh doanh và đóng gói bánh kẹo Phát Huy (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) livestream bán kẹo đậu phộng trên nền tảng TikTok

Sau khi tham gia lớp tập huấn bán hàng online do Sở Công thương tỉnh tổ chức năm 2023, doanh số bán hàng của Cơ sở sản xuất - kinh doanh và đóng gói bánh kẹo Phát Huy (thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) có sự tiến triển đáng kể. Việc áp dụng livestream và thực hiện nhiều video giới thiệu sản phẩm bánh kẹp, kẹo đậu phộng trên nền tảng TikTok đã giúp cơ sở tiếp cận nhiều khách hàng hơn và nâng cao doanh số bán hàng rõ rệt.

Chị Trần Thị Trinh - chủ Cơ sở sản xuất - kinh doanh và đóng gói bánh kẹo Phát Huy, tâm sự: “Làm kẹo đậu phộng và bánh kẹp là nghề truyền thống của gia đình. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, sản phẩm bánh kẹo của chúng tôi được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng và các sản phẩm được phân phối rộng rãi tại các chợ truyền thống và tạp hóa trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát khiến hoạt động kinh doanh, doanh số giảm sút nghiêm trọng, có lúc giảm đến 60%. Để tìm hướng đi mới cho cơ sở, tôi quyết định chuyển hướng sang bán bánh, kẹo trên các nền tảng mạng xã hội. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ hội mới đã mở ra khi tôi được Hội LHPN huyện tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn về bán hàng trên nền tảng TikTok. Nhờ những kiến thức và kỹ năng học được, doanh số bán hàng online của tôi tăng lên đáng kể”.

Hiện tại, nhờ sự linh hoạt và không ngừng học hỏi, chị Trinh đã thành công trong việc đưa sản phẩm truyền thống của gia đình đến gần hơn với người tiêu dùng số. Việc chuyển đổi sang kinh doanh online giúp chị Trinh vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Tương tự, chị Võ Thị Thắm - chủ Cơ sở sản xuất dầu gội bồ kết thảo dược mẹ nấu T - Organic (xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười) tận dụng tối đa những kiến thức được học tại lớp tập huấn về bán hàng trên TikTok Shop do Sở Công thương tỉnh tổ chức để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhờ đó, cửa hàng của chị Thắm có những bước tiến đáng kể so với trước đây.

Chị Võ Thị Thắm - chủ Cơ sở sản xuất dầu gội bồ kết thảo dược mẹ nấu T - Organic, chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn thực sự là bước ngoặt trong kinh doanh đối với tôi. Nhờ khóa học, tôi hiểu rõ hơn về hành vi, sở thích của khách hàng trên mạng xã hội. Từ đó, tôi chủ động xây dựng những nội dung sáng tạo, gần gũi với đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Việc đầu tư vào hình ảnh cá nhân và sản phẩm qua các video ngắn cũng giúp thương hiệu của tôi được nhiều người biết đến. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu hơn về bán hàng online để những người khởi nghiệp tiếp cận kiến thức mới và nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tháp Mười thông tin: “Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là các kênh phân phối truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Hội LHPN huyện Tháp Mười chủ động tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ hội viên. Theo đó, Hội tập trung vào việc phát triển TMĐT, đặc biệt giúp chị em hội viên làm quen và tiếp cận bán hàng trên nền tảng TikTok Shop. Nhờ đó, nhiều chị em thành công trong việc đưa sản phẩm đến với khách hàng rộng rãi hơn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Tiếp tục sự đồng hành đó, Hội LHPN huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên đa dạng hóa kênh bán hàng, tận dụng tối đa các nền tảng TMĐT. Tập trung vào việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công từ nguồn tài nguyên địa phương, nhằm tạo ra giá trị gia tăng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn