Đồng Tháp phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,86%

Cập nhật ngày: 02/05/2024 05:22:41

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240502052348dt2-7.mp3

 

ĐTO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, với sự chủ động, sáng tạo phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà quý I năm 2024 tiếp tục phát triển ổn định và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. GRDP quý I năm 2024 ước đạt 4,51%, các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá tốt. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,59%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,79%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 4,89%.


Thủy sản chế biến xuất khẩu của tỉnh tiếp tục phục hồi

CÁC KHU VỰC KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG TỐT

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cùng thực hiện nhiều chủ trương, chiến lược, đề án phát triển nông nghiệp đưa khu vực nông, lâm và thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng tương đối ổn định, hầu hết người sản xuất đều có lợi nhuận. Theo đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt hơn 16.100 tỷ đồng, tăng 2,69% so cùng kỳ năm 2023, bằng 100,8% so với kế hoạch quý I và 31,5% so với kế hoạch năm 2024. Giá trị tăng thêm toàn ngành quý I ước đạt gần 7.200 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 0,98% so với mục tiêu kế hoạch quý I năm 2024.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kết nối, hỗ trợ các chủ thể tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện, lễ hội trong và ngoài tỉnh những tháng đầu năm. Đến nay, có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 175 chủ thể. Trong quý I, tỉnh đã công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), 20 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023. Hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện Lấp Vò, Lai Vung đạt chuẩn NTM năm 2023.

Đồng Tháp đang đẩy mạnh thực hiện Tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát huy vai trò công nghiệp chế biến tạo động lực tăng trưởng. Bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Công Thương thông tin, các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng khá tốt, nhất là sự phục hồi của thủy sản chế biến là điểm sáng trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I của tỉnh tăng 6,76% so với cùng kỳ năm 2023. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt và vượt so với kịch bản tăng trưởng đề ra như: thủy sản chế biến; gạo; miến, hủ tiếu, bánh tráng; sản phẩm may mặc...

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 425,19 triệu USD, tăng 88,22% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 157,48% kế hoạch quý I đạt 30,37% kế hoạch năm 2024. Xuất khẩu thủy sản, gạo, bánh phồng tôm và các sản phẩm chế biến sau gạo tiếp tục khởi sắc với nhiều đơn hàng, ngành dệt may cũng dần hồi phục.

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, liên kết phát triển với địa phương trong vùng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Trong quý I, ngành du lịch ước đón 1,15 triệu lượt khách, tăng 21,05% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch ước đạt 480 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác được xem như là đòn bẩy góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tính đến cuối tháng 3, tỉnh có 168 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 892,5 tỷ đồng. Tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn gần 5.300 DN. Theo đó, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư tư nhân, tiếp và làm việc với nhiều đoàn đến thăm, làm việc và tìm hiểu đầu tư tại tỉnh.

KHAI THÁC TIỀM NĂNG LỢI THẾ

Trong quý II năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra đầu năm. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt từ 6,86% trở lên.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT, trên cơ sở kết quả đạt được, quý II, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản là hơn 2.700 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm ước đạt gần 9.900 tỷ đồng, tăng 3,11% so cùng kỳ, vượt 0,39% so kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 đề ra từ đầu năm (tăng 2,72%).

 Với mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tận dụng số lợi thế từ sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản. Hiện nay, các nước nhập khẩu áp dụng quy định mới đối với một số loại thủy sản cạnh tranh với cá tra Việt Nam. Mặt khác, một số DN chế biến cá tra cũng được hưởng một số hỗ trợ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho ngành hàng thế mạnh này của tỉnh. Dự báo thị trường Trung Quốc tăng nhu cầu nhập khẩu trái cây, ngành nông nghiệp bám sát kế hoạch đề ra, quản lý mã số vùng trồng và chất lượng để tận dụng cơ hội này. Đáng chú ý là Lễ hội Sen lần II năm 2024 sắp diễn ra, tạo đòn bẩy cho ngành hàng này phát triển, đóng góp chung vào sự tăng trưởng ngành nông nghiệp. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, ngành hàng yến cũng được kỳ vọng tạo ra giá trị mới cho tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà...

Chỉ tiêu lĩnh vực ngành công thương đặt ra trong quý II là giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 19.300 tỷ đồng, tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 35.750 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 345 triệu USD, tăng 5,54% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Công Thương, về lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đáng chú ý là sau Tết Nguyên đán hoạt động sản xuất của các DN dần đi vào ổn định, đẩy mạnh sản xuất và tăng công suất. Đồng thời, có 5 dự án mới đưa vào hoạt động cuối năm 2023 và quý I/2024 sẽ dần ổn định được dây chuyền sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và có sản lượng sản xuất. Trong quý II, dự kiến đưa vào hoạt động thêm 1 dự án.

Trên tinh thần đó, ngành công thương thường xuyên theo dõi, phối hợp với các địa phương tiếp tục quan tâm theo dõi và hỗ trợ các DN đang hoạt động. Phối hợp các cấp, các ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các dự án đang tạm ngưng để đưa vào hoạt động trở lại; tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đăng ký mới, dự án đang triển khai xây dựng sớm hoàn thành, đi vào hoạt động.

Dự báo quý II, các hoạt động thương mại có phần trầm lắng hơn, tuy nhiên sự phát triển thị trường thương mại điện tử cùng với việc phát huy có hiệu quả các kênh phân phối hiện đại và đầu tư nâng cấp, sửa chữa các chợ truyền thống trên địa bàn sẽ tạo thêm động lực mới góp phần tăng trưởng thương mại nội địa. Đặc biệt, trong tháng 5, tỉnh tổ chức Lễ hội Sen và Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024 cùng các kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, đơn vị sẽ hỗ trợ cho các DN nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần vào sự tăng trưởng.

Mặt khác Sở Công Thương đồng hành cùng các DN, hiệp hội ngành hàng hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của tỉnh, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại (FTA), phấn đấu xuất khẩu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra...

Để đạt được tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố đánh giá kỹ tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ từng ngành, lĩnh vực trong quý I. Từ đó, đề ra chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong quý II, 6 tháng cuối năm phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; xúc tiến, kêu gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương tập trung triển khai tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông; tổ chức, chỉ đạo phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp tình hình. Chủ động các biện pháp ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân. Kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thu hút dự án chăn nuôi quy mô lớn. Đối với Sở Công Thương và UBND huyện, thành phố phối hợp rà soát, tính toán năng lực sản xuất của từng DN chủ lực để có giải pháp tiếp cận, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN. Hỗ trợ và khuyến khích DN gia tăng công suất hoạt động, phục hồi các hợp đồng, đơn hàng xuất khẩu bị suy giảm. Thúc đẩy việc triển khai các dự án xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm, để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý II; triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu thương mại và dịch vụ tăng trưởng trong thời gian tới.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn