Giá gia súc, gia cầm tăng sẽ kích thích người chăn nuôi tái đàn

Cập nhật ngày: 20/08/2012 14:09:21

(Ông Võ Trọng Phước - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Tháp)

* PV: Thời gian qua, người chăn nuôi heo, gà, vịt gặp khó khăn do sụt giá, nhiều người bị lỗ. Tình hình này đã ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Ông Võ Trọng Phước (V.T.P): Trong thời gian qua, giá heo, gà, vịt và một số sản phẩm chăn nuôi khác sụt giảm là do tin đồn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cụ thể như trong chăn nuôi heo nên ảnh hưởng ít nhiều đến lượng thịt heo tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ nên dịch bệnh chỉ xảy ra lẻ tẻ, không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi nên tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh; sản phẩm gia súc, gia cầm sản xuất ra ngày càng nhiều, làm giá sản phẩm giảm thấp, ảnh hưởng rất nhiều cho người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp.


Vịt chạy đồng

Do chi phí thức ăn và thuốc thú y tăng, làm tăng giá thành sản phẩm, trong khi giá bán lại thấp, người chăn nuôi không thu được lợi nhuận nên đang có khuynh hướng giảm đàn hoặc không tái đàn. Tính đến thời điểm tháng 7/2012, số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh là: heo 151.335 con, giảm 8.512 con; gà 338.227 con, giảm 9.800 con và vịt 1.660.955 con, tăng 57.695 con so với tháng 6/2012. Tuy nhiên, hiện nay, giá các sản phẩm chăn nuôi đang có dấu hiệu tăng trở lại. Ngày 10/8, giá heo hơi trên thị trường là 37.000 đồng/kg, gà 85.000 đồng/kg, vịt 35.000 đồng/kg, trâu, bò 140.000 đồng/kg. Giá thịt heo bán ngoài chợ là 55.000 - 65.000/kg, trâu, bò 190.000 đồng/kg; gà 120.000/kg, vịt 55.000 đồng/kg và trứng gia cầm là 1.800 - 2.500 đồng/trứng.

* PV: Ông dự báo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới?

Ông V.T.P: Hiện nay, mỗi ngày toàn tỉnh giết mổ khoảng 950 con heo, 25 con trâu bò và hơn 612.000 con gia cầm, tương đương 65-70 tấn thịt và thực phẩm chế biến có nguồn gốc động vật. Riêng những ngày cao điểm như lễ, tết, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm có thể tăng thêm 15%-20%, đạt khoảng 80-85 tấn thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày. Do giá các sản phẩm chăn nuôi đang tăng trở lại sẽ kích thích người dân tái sản xuất chăn nuôi nhằm tăng thu nhập cho gia đình, nên dự báo số lượng đàn gia súc, gia cầm sẽ tăng trong thời gian tới, nhất là phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

* PV: Ông có giải pháp, kiến nghị gì để hỗ trợ người chăn nuôi trong tỉnh cũng như việc tái đàn, ổn định cung cầu?

Ông V.T.P: Trong thời gian tới, các ngành chức năng cần hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chọn mua con giống tốt, sạch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm. Kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, với phương châm “Phòng bệnh là chính” nhằm không để dịch bệnh xảy ra, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y... nhằm đảm bảo người chăn nuôi được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi và thuốc thú y đủ chất lượng, góp phần chăn nuôi đạt hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường cũng như tình hình nhập lậu các sản phẩm gia súc, gia cầm nhằm giúp ổn định thị trường, đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.

* PV: Trong chăn nuôi hiện nay, quyền lợi của người nuôi thường không bằng thương lái, tiểu thương. Theo ông, giải pháp nào để không còn nghịch lý này, đảm bảo quyền lợi công bằng cho người nuôi, giết mổ, bán lẻ và người tiêu dùng?

Ông V.T.P: Mô hình chăn nuôi của cả nước nói chung hiện nay là người dân trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chăn nuôi tự phát, tập huấn kỹ thuật có tiền hoặc có hỗ trợ mới tham gia, thực hiện không đúng quy trình chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, giá thành và chất lượng không ổn định, không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên rủi ro cao, chính sách trợ giá không có, dẫn đến lỗ.

Theo kinh nghiệm của Thái Lan thì mô hình chăn nuôi được chỉ đạo trực tiếp từ nhà nước và phân công cụ thể giao cho Tập đoàn CP thực hiện, người dân tự nguyện tham gia và người dân muốn làm giàu thì phải làm ăn tập thể; được vay vốn, tập huấn kỹ thuật, sản phẩm làm ra được Công ty CP thu mua, giá cả được nhà nước quy định giá sàn, không bị tư thương ép giá, thực hiện dự án người dân có lãi. Sản xuất có sự quy hoạch của nhà nước, phân vùng sản xuất chuyên con giống và giống có chất lượng.

Theo tôi, tỉnh nên có cơ chế về chính sách ưu đãi cho người dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại an toàn sinh học, kiểm soát được dịch bệnh. Các đối tượng thực hiện chăn nuôi quy mô trang trại phải có dự án như xây dựng chuồng trại, quy mô con giống được vay vốn chăn nuôi 2 năm không tính lãi, năm thứ 3 trả lãi 50% và hoàn trả vốn vay dứt điểm. Phân công trách nhiệm đơn vị tìm kiếm thị trường tiêu thụ và thu mua sản phẩm.

* PV: Xin cám ơn ông!

Thành Nam
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn