Giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

Cập nhật ngày: 17/04/2025 10:52:28

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250417105332dt2-7.mp3

 

ĐTO - Với tinh thần, ý chí của người lính Cụ Hồ, 2 hội viên Hội Cựu chiến binh ở xã An Khánh, huyện Châu Thành sau khi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc đã tiếp tục tiên phong trên mặt trận kinh tế vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần vào sự đổi mới, phát triển của quê hương...


Ông Nguyễn Văn Công bên vườn nhãn của gia đình

“Trái ngọt” từ vườn nhãn xuồng

Ông Nguyễn Văn Công (SN 1958) ở ấp An Hưng, xã An Khánh tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường biên giới Tây Nam năm 1980 và xuất ngũ năm 1983. Trở về quê nhà sau những năm tháng phụng sự Tổ quốc, ông Công quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhận thấy cây nhãn xuồng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của vùng, ông Công mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn.

Những ngày đầu, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên sâu bệnh hoành hành khiến vườn nhãn của gia đình liên tục thất bại. Tuy nhiên với ý chí kiên cường của người lính, ông tìm đến học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng nhãn thành công trong vùng, tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp. Ông còn mày mò nghiên cứu đặc tính của cây, lựa chọn các biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ việc bón phân, tưới nước đến phòng trừ sâu bệnh.

Sau bao nỗ lực, vườn nhãn của ông Công dần cho “trái ngọt”. Những chùm nhãn xuồng to tròn, vàng óng, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh đã chinh phục được thị trường. Từ 3 công đất ban đầu, ông Công mở rộng diện tích canh tác nhãn lên 8 công, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Với giá bán trung bình từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, sản lượng 8 tấn/8 công/năm, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Công còn luôn nghĩ đến cộng đồng. Thấu hiểu những khó khăn của bà con nông dân trong việc tìm kiếm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và liên kết tiêu thụ sản phẩm, ông tích cực tham gia vào việc thành lập và duy trì hoạt động của Hội quán nông dân tại địa phương. Với vai trò là Chủ nhiệm An Hòa Hội quán (23 thành viên, diện tích 20ha, chủ yếu trồng nhãn xuồng), ông Công thường xuyên chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trồng nhãn của mình, giúp đỡ bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hội quán với sự đóng góp của ông Công và các thành viên tâm huyết khác đã trở thành một địa chỉ tin cậy, nơi bà con có thể trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau giải quyết những khó khăn trong sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản. Ông Công luôn tâm niệm rằng, sự phát triển của mỗi cá nhân phải gắn liền với sự phát triển của cộng đồng để cùng nhau tiến bộ.


Anh Lê Văn Chính chăm sóc vườn chanh

Vươn lên làm giàu từ trái chanh

Minh chứng cho tinh thần vươn lên mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, anh Lê Văn Chính (SN 1978) ở ấp An Bình, xã An Khánh tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 1994 tại Trung đoàn 9, Trần Quốc Toản và xuất ngũ vào cuối năm 1997. Khi trở về quê hương, anh Chính nhận thấy vùng đất tại địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển cây chanh nên anh quyết định chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chanh. Ban đầu, nhiều người nghi ngại về quyết định này, bởi cây trồng này vốn không phải là cây trồng truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính, anh Chính tập trung nghiên cứu kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh.

Anh tìm đọc các sách báo, tham gia các buổi hội thảo về trồng trọt. Đồng thời không quản ngại khó khăn đến các vùng trồng chanh nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm. Với những kiến thức được tích lũy, anh áp dụng các phương pháp tiên tiến vào canh tác, chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp để đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm.

Sự cần cù, chịu khó và kiến thức tích lũy được đã giúp vườn chanh của anh ngày càng phát triển xanh tốt. Những cây chanh sai trĩu quả, với vỏ xanh bóng, múi mọng nước đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh. Không dừng lại ở việc trồng chanh thông thường, anh Chính còn mạnh dạn đầu tư vào hệ thống tưới tiêu tự động, áp dụng các biện pháp bảo quản sau thu hoạch để kéo dài thời gian bán và nâng cao giá trị sản phẩm.

Với sự nhạy bén trong nắm bắt thị trường và việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn chanh của anh Chính không chỉ đạt năng suất cao mà còn có chất lượng vượt trội. Nhờ đó, sản phẩm của anh được các thương lái tìm đến thu mua với giá ổn định.

Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh Chính đã nỗ lực vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả tại địa phương. Hiện tại, với hơn 20 công đất trồng chanh (bao gồm cả đất thuê), sau khi trừ các chi phí sản xuất, mỗi năm, anh Chính có thể thu về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của gia đình anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Anh Lê Văn Chính luôn tâm niệm rằng, tinh thần ý chí của người lính Cụ Hồ là không ngại khó khăn, gian khổ, luôn tìm tòi, sáng tạo để vượt qua mọi thử thách. Chính tinh thần ấy đã giúp anh có thêm nghị lực và quyết tâm thành công trên con đường phát triển kinh tế. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người có ý định trồng chanh, góp phần nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này tại địa phương.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Công và anh Lê Văn Chính là những tấm gương tiếp tục phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn