Huyện Cao Lãnh phát triển kinh tế tập thể
Cập nhật ngày: 13/07/2012 07:21:20
Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) của huyện Cao Lãnh tiếp tục được tập trung chỉ đạo, củng cố và phát triển với nhiều loại hình, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện tăng thu nhập cho nhân dân nông thôn. Hàng năm, mức đóng góp của loại hình KTTT vào tổng sản phẩm kinh tế của địa phương khoảng 5,3%.
Nông dân hợp tác thu hoạch lúa khi lúa bị ngã nhiều
Từ năm 2002 đến nay, huyện thành lập mới 11 HTX và giải thể 3 HTX hoạt động kém hiệu quả, nâng tổng số 22 HTX với 6.887 xã viên, trong đó có 12 HTX dịch vụ nông nghiệp, 3 công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1 khai thác và san lấp cát, 1 vận tải, 2 sản xuất và tiêu thụ xoài, 3 quỹ tín dụng nhân dân. Thành lập mới 149 tổ hợp tác (THT) và giải thể 48 THT, hiện toàn huyện có 186 THT với 4.237 tổ viên.
Hàng năm, các cấp ủy đều quan tâm phát triển kinh tế tập thể, đề ra chỉ tiêu thành lập mới HTX và THT nên số lượng luôn tăng. Huyện đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai, các chương trình mục tiêu, quan tâm và tạo điều kiện thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX; mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ HTX, THT. Chất lượng hoạt động của các HTX còn hạn chế, quy mô nhỏ, đơn giản nên hiệu quả mang lại không cao. Năm 2011, lợi nhuận bình quân của HTX là 49 triệu đồng và THT là 29 triệu đồng; thu nhập bình quân của xã viên HTX là 6,2 triệu đồng và tổ viên THT là 11,4 triệu đồng. Các quỹ tín dụng nhân dân, HTX Dịch vụ Nông nghiệp 26-3, HTX Thủ công Mỹ nghệ 20-10 là những đơn vị hoạt động hiệu quả, có doanh thu ngày càng tăng, đa dịch vụ, trình độ quản lý, kinh doanh khá đảm bảo, ổn định thu nhập cho xã viên và người lao động.
Dù hiệu quả hoạt động có nâng lên, nhưng KTTT của huyện phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung nông nghiệp là chính; mức độ hợp tác còn đơn giản, chỉ vài khâu trong sản xuất, dịch vụ, nên tính bền vững không cao; năng lực điều hành của cán bộ còn yếu. Bên cạnh đó, nhận thức của đại bộ phận nhân dân về KTTT chưa thay đổi nhiều, cùng với tập quán làm ăn nhỏ lẻ nên ảnh hưởng đến phát triển KTTT. Nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở chủ trương và thiếu hoặc chưa cụ thể hóa ở chuyên ngành quản lý và cấp cơ sở, nên các loại hình KTTT khó tiếp cận với những chính sách ưu đãi hiện hành...
TN