Làng bột SaĐéc
Khẳng định giá trị, liên kết để phát huy
Cập nhật ngày: 01/06/2012 08:07:19
Nhằm khẳng định giá trị khác biệt của các sản phẩm sau gạo của Đồng Tháp nói chung và làng bột SaĐéc nói riêng, là cơ hội tạo mối liên kết, chia sẻ kinh nghiệm - kiến thức thị trường giữa những tác nhân sản xuất kinh doanh trong chuỗi giá trị sản phẩm sau gạo, chương trình tọa đàm “Nâng cao giá trị sản phẩm của làng bột SaĐéc” do Sở Công Thương tổ chức vừa qua đã nhận được nhiều đóng góp sẻ chia về trăn trở, về làng nghề và tìm hướng đi khả quan hơn trong thời gian tới...
Nhiều sản phẩm chế biến từ bột gạo SaĐéc đã trở nên
quen thuộc với người tiêu dùng
Khẳng định giá trị làng nghề truyền thống
Sản phẩm bột gạo của làng bột SaĐéc từ lâu đã có mặt khắp nơi trong và ngoài nước. Làng nghề làm bột nơi đây đã cung cấp sản phẩm cho các công ty chế biến sản phẩm sau bột của tỉnh nhà như: Bích Chi, Sa Giang, Hòa Hưng, Lộc Sánh; công ty ngoài tỉnh như Vifon, Mikko, Tài Ký... và xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, những phụ phẩm từ nghề sản xuất bột đã góp phần đáng kể cho ngành chăn nuôi tại địa phương.
Nghề sản xuất bột ở SaĐéc đã giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Nghề làm bột nơi đây cung cấp sản lượng bình quân trên 40 ngàn tấn bột/năm. Đi qua mấy thế kỷ, nghề làm bột ở SaĐéc góp phần không nhỏ cho tiến trình phát triển của quê hương. Tuy nhiên, hiện nay do giá sản phẩm bột thấp, địa phương chưa có thương hiệu sản phẩm và thị trường thiếu ổn định... Với nhiều khó khăn, đã có khoảng 300 cơ sở sản xuất bột của làng nghề ngưng hoạt động, hiện chỉ còn khoảng 500 cơ sở sản xuất, sản lượng bột liên tục giảm, năm 2005 đạt trên 40 ngàn tấn, năm 2010 chỉ còn khoảng 16 ngàn tấn.
Xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết
Chương trình tọa đàm “Nâng cao giá trị sản phẩm của làng bột SaĐéc” đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tư vấn chính sách, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bột gạo. Bên cạnh những ý kiến về trao đổi kinh nghiệm về công nghệ chế biến, dạy nghề, phát triển thị trường thì nội dung được nhiều người quan tâm, chia sẻ nhất vẫn là việc tạo mối liên kết và công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cho làng nghề.
Bác Tư Khánh, người gắn liền tên tuổi với thương hiệu Bích Chi cho rằng, bột mì có thể bán khắp thế giới thì bột gạo SaĐéc cũng có thể được người ta sử dụng như vậy nếu ta biết cách phát huy giá trị sản phẩm. Tiềm năng của làng nghề bột gạo SaĐéc còn có thể phát triển, vươn xa hơn nữa nếu được đầu tư đúng mức. Điều cấp bách hiện nay là chúng ta phải bắt tay vào xây dựng thương hiệu.
Bà Mật Bích Khuầy (PGĐ Công ty XNK Sa Giang) chia sẻ: “Nhằm ngày càng hoàn thiện chuỗi cung ứng nhấn mạnh vào yếu tố then chốt là chất lượng, công ty chúng tôi đã định hướng xây dựng quản lý chất lượng nguồn bột từ khi còn là hạt gạo... Tuy nhiên, để tạo thế và lực cho các sản phẩm từ gạo, các cơ quan quản lý nên hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu bột SaĐéc tại nước ngoài nhằm bảo vệ một thương hiệu làng nghề nổi tiếng...”. Đại diện Công ty CPTP Bích Chi cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu cho làng nghề bột SaĐéc là điều rất cần thiết, bởi sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng sẽ đêm lại cho người tiêu dùng sự an tâm, thoải mái và tin tưởng. Sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng có cơ hội thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường tốt hơn các sản phẩm thông thường.
Tạo mối liên kết cũng là vấn đề được nhiều người trong nghề đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Văn Điệp (nhà máy bột Đức Thịnh) phản ánh tâm tư của những người trong nghề: “Để phát huy giá trị chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sau gạo thì sự liên kết giữa các đơn vị là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, địa phương cần xây dựng tiêu chí chất lượng cho thương hiệu làng bột. Nếu các cơ sở sản xuất đạt được tiêu chí này thì được gắn logo thương hiệu làng bột SaĐéc. Khi việc sản xuất đã mang tính tổ chức chặt chẽ, khoa học chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Lúc đó, giá trị lao động người làng bột sẽ được nâng lên một bước cao hơn...”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Thiện Nghĩa (Giám đốc Sở Công thương) cho biết: “...Mặc dù chưa giải quyết hết được những trăn trở của người làm nghề, nhưng qua chương trình này, các doanh nghiệp đã tạo được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, trao đổi hướng dẫn kỹ thuật mới, kỹ năng trong làng nghề sản xuất bột. Hướng tới, ngành Công thương sẽ xây dựng đề án phát triển tất cả các làng nghề, trong đó có làng nghề sản xuất bột SaĐéc. Sở Công thương sẽ làm đầu mối trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu kết nối với người sản xuất tại làng nghề...”.
Thanh Hiền