Một số lưu ý khi xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc

Cập nhật ngày: 10/07/2024 05:37:43

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240710053827dt1-3.mp3

 

ĐTO - Theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hoạt động xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đang khôi phục mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực sau thời gian dài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo tăng cường quản lý những qui định về kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập khẩu hàng hóa và tích cực triển khai chủ trương phát triển thương mại chất lượng cao; không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói...


Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng nông sản, trái cây tươi cần chủ động có các giải pháp đảm bảo xuất khẩu hiệu quả

Hiện mặt hàng nông sản, trái cây luôn chiếm tỷ trọng từ 70 - 80% cơ cấu mặt hàng xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn; tại phía Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Quảng Tây, Trung Quốc), lực lượng Hải quan Trung Quốc đang duy trì thực hiện kiểm hóa 100% đối với lô hàng những loại trái cây chưa được ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và xử lý nghiêm đối với các trường hợp bị phát hiện vi phạm qui định liên quan tới chất lượng hàng hóa nhập khẩu (hiện trong số 11 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm và chanh leo, chỉ có 4 loại trái cây gồm: sầu riêng, măng cụt, dưa hấu và chuối đã được ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật).

Để tiếp tục đảm bảo nông sản, trái cây của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường Trung Quốc, hướng tới mở rộng qui mô xuất khẩu hàng hóa nông sản chất lượng cao Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn yêu cầu:

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các đơn vị, đồng thời đề nghị các đơn vị sản xuất, chế biến, đóng gói và xuất khẩu nông sản thường xuyên, chủ động theo dõi, kịp thời nắm bắt, cập nhật những thay đổi trong chính sách, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, trái cây tươi của phía Trung Quốc để chủ động có các giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo xuất nhập khẩu hiệu quả.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phải nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm được Chính phủ Trung Quốc quy định; chủ động theo dõi, cập nhật những thay đổi mới trong qui định của thị trường nhập khẩu, thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên ngành để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng sản phẩm xuất khẩu theo luật pháp của Trung Quốc. Đồng thời tuân thủ các qui định về bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác... theo từng loại hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc; việc bảo quản trái cây tươi xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng quả, không để lẫn hóa chất độc hại, mùi vị lạ... với trái cây tươi xuất khẩu; việc dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc trên bao bì (thùng, kiện...) phải đảm bảo thông tin và nội dung theo yêu cầu; việc đóng gói đáp ứng qui định nhập khẩu, trong đó bao bì, vật liệu bao gói bằng gỗ được xử lý theo đúng tiêu chuẩn ISPM 15; chủ động cập nhật, tuân thủ những thay đổi trong qui định, yêu cầu về bảo quản, đóng gói... của thị trường nhập khẩu.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn