Năm 2013, huy động vốn và dư nợ tăng trưởng chậm
Cập nhật ngày: 06/12/2013 05:23:36
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT), ước huy động vốn đến 31/12/2013 đạt 21.326 tỷ đồng, tăng 2.782 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, đạt 50% so với kế hoạch năm; ước dư nợ đạt 32.688 tỷ đồng, tăng 3.502 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, đạt 100% so với kế hoạch năm. Đây là mức tăng trưởng chậm so với năm trước.
NHNN-ĐT đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành nghiêm qui định lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Hiện nay, các TCTD áp dụng trần lãi suất huy động chỉ còn ở mức 7%/năm (đối với kỳ hạn dưới 6 tháng); trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 9%/năm. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc các đối tượng được hưởng chính sách theo Công văn số 1149/TTg-KTN, ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ từ 10%/năm xuống 9%/năm.
Vốn huy động đến 30/10 tăng 0,46% so với đầu năm. Xét về tỷ trọng, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chiếm 29,03%, tiền gửi của dân cư chiếm 70,03% trong tổng huy động vốn. Xét theo kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống chiếm cao (77,39%), tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng mặc dù tăng cao so với đầu năm nhưng chỉ chiếm 22,61% trong tổng huy động. Vì vậy, vốn huy động chưa đảm bảo ổn định, do tập trung chủ yếu từ nguồn tiền gửi có kỳ hạn. Còn xét theo đối tượng khách hàng, tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng cao (66,43%) trong tổng huy động vốn, số tuyệt đối đạt 12.375 tỷ đồng, tăng 295 tỷ đồng so với đầu năm. Như vậy, mặc dù vốn huy động tăng trưởng chậm nhưng xét theo đối tượng khách hàng, tiền gửi từ dân cư vẫn đảm bảo ổn định.
Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, dư nợ trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng chậm, chỉ tăng 6,46% so với đầu năm (so với cùng kỳ, năm 2012 tăng 16,31% so với năm 2011; năm 2011 tăng 12,03% so với năm 2010). Mặc dù dư nợ tăng chậm nhưng cơ cấu tín dụng đảm bảo tập trung vào lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu mua lúa gạo, chế biến thủy sản, cho vay hộ nghèo,...
Ngoài ra, hoạt động ngân hàng cũng gặp khó trong xử lý thu hồi nợ xấu, do việc thanh lý tài sản trong điều kiện hiện nay rất khó khăn, nhất là bất động sản. Đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội thì gặp khó trong thu nợ vì một số hộ vay do không có việc làm ổn định nên thường đi nơi khác làm ăn, thường xuyên vắng nhà, nhất là hộ vay chương trình nhà trả chậm trong cụm, tuyến dân cư; chương trình cho vay học sinh, sinh viên có lãi tồn đọng nhiều do hộ vay gặp khó khăn, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm.
TN