Những đảng viên nông dân “dám nghĩ, dám làm”
Cập nhật ngày: 29/08/2024 11:06:34
ĐTO - Từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực, những đảng viên nông dân: Nguyễn Văn Hùng (SN 1964) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười); Lê Văn Hùng (SN 1954) - Giám đốc HTX Nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành); Cao Văn Hùng (SN 1954) - thành viên Hòa Tâm Hội quán (huyện Lai Vung) luôn noi gương Bác qua sự năng động, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm. Họ là những đảng viên “đầu tàu” dẫn dắt hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, góp phần khai thác tiềm năng địa phương, thay đổi tư duy canh tác của bà con từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Hùng ra đồng thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa
Từ phát huy tiềm năng, sản phẩm địa phương...
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) kể, sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1986, ông vừa làm ruộng vừa tham gia Tổ vật tư nông nghiệp xã Mỹ Đông. Đến năm 2002, theo định hướng của địa phương, ông tham gia thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi. Lúc đầu, HTX chỉ có 21 thành viên hoạt động với dịch vụ tưới tiêu, số vốn khoảng 100 triệu đồng. Đến năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc HTX.
“Với nhu cầu thực tế, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ chi phí để mua thực phẩm sạch và chủ động tìm kiếm sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe, nên tôi suy nghĩ mình phải trồng lúa theo hướng an toàn để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Vì vậy, tôi chủ động tham gia nhiều hội thảo, tập huấn hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa an toàn nhằm triển khai cho thành viên HTX” - ông Hùng chia sẻ.
Đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi có 95 thành viên với vốn góp hơn 1,5 tỷ đồng, với các dịch vụ: làm đất, sản xuất nước tinh khiết, liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, mô hình chợ quê. HTX chú trọng ứng dụng công nghệ tự động hóa sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm lượng thuốc sử dụng, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân. Trong quản lý nước, HTX áp dụng điều tiết nước theo nhu cầu cây lúa, áp dụng tốt quy trình ngập khô xen kẽ bằng công nghệ 4.0. Ngoài ra, HTX cũng thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP; thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long... Điều này giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên.
Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thêm: “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vận động thành viên trong HTX và người dân địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tiết kiệm chi phí. Từ đó, giúp ứng dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất phục vụ thị trường trong và ngoài nước...”.
Đến vùng trồng nhãn thuộc xã An Nhơn (huyện Châu Thành) những ngày này, sẽ thấy được sự đổi thay lớn với những vườn nhãn sum xuê, xanh tốt. Đây là thành quả vận động của ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông sản an toàn An Hòa.
Với mong muốn cung cấp nông sản tươi và sạch ra thị trường, HTX chú trọng khép kín từ khâu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Ông Hùng cho biết: “Từ năm 2018 tới nay, tôi và các thành viên chủ động ứng dụng sản xuất theo hướng an toàn, nhất là cải tạo đất; đồng thời xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón vi sinh, tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm hạn chế sử dụng phân bón và thuốc hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ trong sản xuất”.
Các khu canh tác nhãn của HTX Nông sản an toàn An Hòa hiện nay hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong quá trình sản xuất. HTX đã liên kết với các đối tác cung ứng chế phẩm sinh học và kỹ thuật bón hợp lý cho cây trồng; chủ động tìm thị trường qua kênh online, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, từ đó doanh thu tăng mạnh hằng năm. Quan trọng hơn, sức khỏe của người dân trực tiếp sản xuất, người tiêu dùng và môi trường chung quanh ít bị tác động tiêu cực. HTX đã góp phần không nhỏ thay đổi thói quen sản xuất phụ thuộc vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học của người dân sang canh tác theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tổng diện tích nhãn của HTX được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và có mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính như: Mỹ, EU... Hiện tại, HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng nhãn phục vụ xuất khẩu với hơn 100 tấn/tháng.
Ông Lê Văn Hùng luôn vận động các thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa cùng sản xuất nhãn theo hướng an toàn
Ông Lê Văn Hùng bộc bạch: “Thời gian tới, với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, tôi sẽ quyết tâm đầu tư công sức, trí tuệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, góp phần đưa HTX phát triển ngày càng lớn mạnh...”.
Phát huy vai trò xung kích, gương mẫu của người đảng viên trong phát triển kinh tế, ông Cao Văn Hùng - thành viên Hòa Tâm Hội quán (xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) thực hiện mô hình canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, mang lại hiệu quả cao.
Nhiều năm theo nghề mua bán, ông Cao Văn Hùng quyết định chọn công việc phù hợp hơn là phát triển canh tác trên chính mảnh đất quê hương. Sau khi nghiên cứu, ông thấy nhãn và mít là 2 loại cây đáp ứng được những yêu cầu về thổ nhưỡng. Ông Hùng cho biết: “Cuối năm 2015, tôi bắt đầu canh tác nhãn và mít theo hướng an toàn. Trong đó, tôi xây dựng quy trình trồng và chăm sóc nhãn, mít và một số cây trồng khác do chính mình đã đúc kết kinh nghiệm, kỹ thuật từ thực tế để truyền đạt cho các thành viên nông dân khác; đồng thời thực hiện phương pháp nuôi thiên địch để diệt các sinh vật gây hại cho cây trồng. Điều này hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...”.
Sau nhiều năm, vườn cây ăn trái của gia đình ông Cao Văn Hùng thu về “quả ngọt”. Năm 2023, toàn diện tích canh tác 3ha thu hoạch khoảng 60 tấn trái nhãn và mít. Ngoài trồng nhãn và mít, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh vườn cây ăn trái, ông còn trồng xen canh dừa xiêm xanh và một số loại cây khác. Tổng diện tích vườn cây ăn trái của ông Hùng mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Ông Cao Văn Hùng chia sẻ: “Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong lao động, sản xuất, với mong muốn thay đổi cuộc sống bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Tôi tiếp tục phổ biến, ứng dụng rộng rãi cách làm hiệu quả của mình cho các nông dân tại địa phương, mong muốn cho ra các sản phẩm nông sản sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất”.
Tận dụng diện tích đất gia đình, ông Cao Văn Hùng trồng mít và nhãn theo hướng an toàn phục vụ nhu cầu thị trường
...đến chung sức phát triển quê hương
Điểm chung nổi bật ở 3 đảng viên nông dân: Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Hùng và Cao Văn Hùng là sau thời gian phát triển kinh tế “vững chãi”, đều hướng tới việc làm thiện nguyện vì cộng đồng. Họ là những đảng viên luôn nhiệt huyết với công tác an sinh xã hội, chỉ cần địa phương phát động làm đường hay quyên góp hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn thì các ông luôn nhiệt tình hưởng ứng.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi nhớ lại: “Lúc thi công các tuyến đường trong xã Mỹ Đông, từ quỹ phúc lợi của đơn vị, tôi chủ động quyên góp tiền hỗ trợ xây dựng. Thấy vậy, người dân đồng lòng ủng hộ. Nhờ tiên phong đóng góp nên tôi vận động người dân cũng dễ dàng hơn. Chính sự đồng thuận, đoàn kết mà trong đó, vai trò tiên phong của đảng viên đã tạo nên sức mạnh góp phần xây dựng quê hương”.
Hơn 15 năm qua, ông Hùng cùng các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi hỗ trợ hơn 60 triệu đồng/năm cho công tác an sinh xã hội địa phương.
Còn ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông sản An Hòa tâm niệm, là đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Vì vậy, ông Hùng luôn góp công sức và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con nông dân. Không những thế, mỗi năm, ông trích kinh phí cá nhân và vận động thêm nhiều phần quà cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 10 năm qua, mỗi năm, ông vận động hơn 60 triệu đồng hỗ trợ cho các em học sinh nghèo tại địa phương vào dịp đầu năm học.
Ông Lê Văn Hùng chia sẻ: “Tôi luôn chủ động tham gia các chương trình vận động của xã về “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - Vì em hiếu học” nhằm giúp đỡ những học sinh nghèo gặp khó khăn, tạo điều kiện cho các em thêm tự tin, yên tâm và phấn khởi khi năm học mới bắt đầu”.
Chung tay thực hiện công tác thiện nguyện, ông Cao Văn Hùng tham gia cùng các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thường xuyên vận động người dân đi xây cầu, cất nhà tình thương, tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn xã. Thời gian qua, ông đã đóng góp trên 500 triệu đồng và vận động hội viên nông dân đóng góp ngày công trải bê tông các tuyến đường trong ấp với tổng chiều dài 6,4km; góp phần vận động xây mới nhiều cây cầu bê tông trên địa bàn xã với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng... Ngoài ra, ông Hùng cũng tích cực trong vận động người dân hiến đất làm đường nông thôn theo chuẩn nông thôn mới; vận động tặng quà cho học sinh; hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân...
Ông Cao Văn Hùng chia sẻ: “Tôi luôn ghi ơn sâu sắc sự đóng góp của những người đồng hành cùng mình làm những điều ý nghĩa. Và mong có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục làm thiện nguyện vì cộng đồng”.
Ông Lý Văn Giàu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Các ông: Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Hùng, Cao Văn Hùng là những điển hình, tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, dịch vụ.... là hội viên tiêu biểu trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, đây là 3 đảng viên gương mẫu, tiêu biểu, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội như: tặng học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn tại địa phương; tích cực tham gia xây cầu, làm đường giao thông... góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
|
Khánh Phan