Nông dân chủ động ứng phó bão số 3 bảo vệ cây trồng

Cập nhật ngày: 05/09/2024 09:46:30

ĐTO - Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo bão số 3 Yagi sẽ gây ra một đợt mưa rất lớn diện rộng. Tại Đồng Tháp, những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều trận mưa lớn kéo dài phần nào gây ảnh hưởng tới một số loại cây trồng.


Nông dân vùng rau Long Thuận, huyện Hồng Ngự chủ động các biện pháp ứng phó mưa bão

Tại khu vực vùng rau Long Thuận, huyện Hồng Ngự, những ngày qua, tình hình mưa bão đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân. Ông Dương Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Hiện tại, nông dân hợp tác xã chủ yếu sản xuất hành, hẹ, khổ qua, dưa leo... với diện tích khoảng 160ha. Để đảm bảo ứng phó mưa bão, các thành viên đã chủ động thoát nước tốt cho rau màu, tránh ngập ảnh hưởng bộ rễ. Đồng thời, khuyến cáo bà con sử dụng thuốc hữu cơ hỗ trợ bộ rễ và thăm đồng thường xuyên phát hiện sâu hại, kịp thời có biện pháp phòng trừ...”.

Còn tại vùng trồng xoài thuộc xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, nông dân đang vào vụ chăm sóc các loại xoài. Ông Trần Văn Trạng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh) chia sẻ: “Mấy ngày qua, mưa bão ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân khi tỷ lệ đậu trái giảm nhẹ. Để đảm bảo cho vụ mùa, tôi cùng các thành viên chủ động việc phun xịt hỗ trợ cho chắc rễ, chắc cây thông qua việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Cùng với đó, chủ động phun xịt trừ nấm bệnh thán thư”.


 Nông dân Hà Văn Giữ ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chủ động chăm sóc vườn cây có múi trước thời tiết mưa bão

Tại huyện Lai Vung, nông dân đang chủ động trong việc bảo vệ vườn cây ăn trái. Theo ông Hà Văn Giữ, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, thông thường vào mùa mưa, cây cam xoàn sẽ gặp rất nhiều loại bệnh gây hại, nhất là bệnh xì mủ, khô cành... Nếu nhà vườn không theo dõi sát sẽ ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. “Trong thời tiết mưa nhiều, gia đình tôi thăm vườn thường xuyên nhằm phát hiện dịch bệnh để có hướng xử lý nhanh, hiệu quả không để bệnh lây lan ra cả vườn” - ông Giữ chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Chí Trung ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung cho biết: “Thời tiết mưa nhiều đã làm một số cây trong vườn bị ngã đỗ. Vào cao điểm mùa mưa, bão, tôi luôn chủ động chăm sóc tốt cho cây quýt hồng để mong muốn có vụ quýt Tết thắng lợi. Trong đó, sử dụng các sản phẩm chế phẩm sinh học bón cho chắc rễ. Cùng với đó, để ứng phó mưa bão, tôi cũng chủ động việc tháo nước chống úng cho cây”.  

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, diễn biễn của bão số 3 như sau: lúc 7h00 ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ Bắc; 115,5 độ kinh đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông, gió vùng gần trung tâm mạnh cấp 13, giật cấp 16. Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, với tốc độ khoảng 10-15km/h, lúc 7h00 ngày 6/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ vĩ Bắc; 112,3 độ kinh đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Đông, gió vùng gần trung tâm mạnh cấp 14, giật cấp 17. Thời tiết khu vực tỉnh Đồng Tháp trong ngày 5/9 sẽ nhiều mây, có mưa, mưa rào và dông, có nơi mưa vừa; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả cơn bão số 3 và thời tiết nguy hiểm, Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ngành tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão. Trong đó, chủ động công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, công trình phòng chống thiên tai, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp có mưa lớn xảy ra; tổ chức trực ban 24/24 kịp thời thông tin, cảnh báo cho các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 và thời tiết nguy hiểm.

Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, các bản tin về áp thấp nhiệt đới, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh; thông báo, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn kiểm tra, chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng, kho tàng, tổ chức chặt tỉa cành cây đề phòng lốc xoáy và gió mạnh. Trong đó, tập trung chủ động phòng, chống gió lớn, mưa lớn; sẵn sàng phương án phòng, chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất; chỉ đạo, đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; chủ động bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, tổ chức bơm tiêu chống úng khi mưa lớn, mực nước lên nhanh. Đồng thời, thực hiện tốt phương chẩm 4 tại chỗ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản khi có tình huống xảy ra...

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn