Phát triển rừng trung hạn

Cập nhật ngày: 23/07/2012 08:00:22

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 13.284ha đất lâm nghiệp nằm ở phía Bắc sông Tiền, khu vực Đồng Tháp Mười. Diện tích được phân bố trên địa bàn các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Toàn bộ là diện tích rừng tập trung chủ yếu là cây tràm, với tổng diện tích đất có rừng 7.069ha.

Trong giai đoạn 2005-2012, diện tích rừng tràm sản xuất tập trung của tỉnh bị sụt giảm liên tục do hiệu quả kinh tế thấp, người dân chuyển đổi sang đất trồng lúa, nuôi cá. Từ năm 2011, giá tràm có sự gia tăng đã làm giảm bớt tốc độ chuyển đổi đất rừng sang các loại đất lúa. Tuy nhiên, diện tích rừng đặc dụng của tỉnh vẫn được duy trì ổn định, công tác trồng cây lâm nghiệp phân tán theo các băng, đai rừng bảo vệ đê bao, lộ giao thông, cụm tuyến dân cư... được các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, lượng cây lâm nghiệp phân tán của tỉnh tăng lên theo từng năm.

Để nâng độ che phủ của rừng, ngoài việc trồng rừng tập trung trên đất trống qui hoạch lâm nghiệp, tỉnh tăng cường trồng cây lâm nghiệp phân tán bảo vệ các công trình hạ tầng, bảo vệ sinh thái bền vững, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập góp phần ổn định kinh tế cho người lao động nghề rừng, tỉnh đề ra kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trung hạn, giai đoạn năm 2013-2015 với diện tích rừng trồng là 2.250ha, tổng nhu cầu vốn đầu tư 38.727 triệu đồng.

Trong công tác phát triển rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, mỗi năm trồng 50ha rừng tràm tại phân khu phục hồi sinh thái A5 theo thiết kế băng cản lũ, cản sóng gió đầu nguồn tràn vào vườn; phủ xanh diện tích rừng nhằm tăng độ che phủ bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững. Đối với diện tích trồng rừng sản xuất, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho hộ gia đình có đất quy hoạch lâm nghiệp, mỗi năm trồng 300ha, tập trung tại 2 huyện Tháp Mười và Cao Lãnh nhằm tăng diện tích rừng phòng hộ bảo vệ tính mạng và tài sản, giúp nhân dân an tâm lao động sản xuất; cung cấp gỗ trong xây dựng nhà cửa, cầu nông thôn, chuồng trại chăn nuôi. Riêng diện tích cây phân tán mỗi năm trồng dao động từ 2.000.000 - 2.500.000 cây tại các tuyến phòng thủ biên giới, đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp, lộ nông thôn, sân trường... trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm hướng tới chống sạt lở bảo vệ công trình, tạo bóng mát cảnh quan môi trường.

Tháp Mười và Cao Lãnh là 2 địa phương khai thác rừng sản xuất, bình quân mỗi năm khai thác 350ha, tương đương sản lượng 22.400m3 và 56.000 Ster củi. Song song đó, nơi đây sẽ phát triển thêm đàn ong mật dưới tán rừng tràm với 3.000 đàn, nâng sản lượng khai thác hàng năm đạt 60 tấn. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong xây dựng, trang trí nội thất, chế biến các sản phẩm mộc có giá trị cao, tỉnh cũng phải nhập về bình quân 12.000-15.000m3 gỗ/năm (gỗ tròn và gỗ xẻ) để cung ứng.

Ngoài công tác phát triển rừng, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tổ chức bảo vệ rừng, hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá rừng, vào rừng chăn thả gia súc, gia cầm, đánh bắt động vật hoang dã, lấy mật ong và đánh bắt thủy sản trái phép. Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, lâm sản ghi chép sổ sách theo dõi, kiểm tra thường xuyên, đúng qui định, hạn chế thấp nhất các vụ vận chuyển, hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ, lâm sản trái qui định pháp luật.

KD

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn