Quản lý, điều hành xăng dầu còn nhiều lúng túng
Cập nhật ngày: 08/02/2013 08:02:29
Đã hơn 3 năm tính từ thời điểm ngày 15/10/2009 - Nghị định 84/NĐ-CP (NĐ 84) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực. Mặc dù giá xăng dầu trong nước vẫn chưa linh hoạt biến động theo giá xăng dầu của thế giới, song sự ra đời của NĐ 84 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong chính sách điều hành xăng dầu của Nhà nước theo cơ chế thị trường.
Hai tháng và những bước đi chập chững
Trong một cuộc tọa đàm được tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã thẳng thắn thừa nhận, NĐ 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đây chỉ là nghị định tiếp nối các Quyết định 187, Nghị định 55 và sau này còn nhiều bước nữa để hoàn thiện việc kinh doanh xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Trước khi quyết định sửa đổi NĐ 84, cần phải đưa nó vào thực hiện
một cách nghiêm túc. (Ảnh: KT)
Cũng theo Thứ trưởng Tú, đối với quyền định giá của doanh nghiệp khi NĐ 84 chính thức có có hiệu lực, đến nay cơ bản việc định giá xăng dầu vẫn là do Nhà nước điều tiết (40 tháng), doanh nghiệp mới chỉ thực hiện trong khoảng thời gian 2 tháng.
“Nghị định 84 chỉ là một bước tiến, cho doanh nghiệp tự định giá trong phạm vi 7-12%. Việc tiến tới thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường phụ thuộc vào tình hình kinh tế đất nước, trình độ của doanh nghiệp... Mục tiêu này được đặt ra vào thời điểm các khó khăn kinh tế sẽ sớm chấm dứt nhưng nay thì có thể thấy những khó khăn sẽ kéo dài tới năm 2013, 2014, 2015. Trong phạm vi có thể, chúng ta sẽ tiến ngày càng gần tới cơ chế thị trường” - Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.
Ở một góc nhìn độc lập, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền khẳng định: “Cái được nhất của quản lý xăng dầu khi thực hiện NĐ 84 trong thời gian vừa qua là việc kinh doanh xăng dầu đã chuyển biến mạnh mẽ theo hình thức thị trường và đây cũng là mục tiêu quan trọng xuyên suốt trong NĐ 84 của Chính phủ”.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại trên thực tế điều hành xăng dầu thời gian qua đã không theo đúng tinh thần của NĐ 84. Bà Hiền cho rằng, với thị trường xăng dầu ở Việt Nam, hàng năm vẫn phải nhập khẩu tới hơn 70% về lượng, giá xăng dầu sản xuất trong nước được tính theo giá nhập của thế giới, nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn chưa tuân thủ theo quy luật của giá thế giới, mà biểu hiện dễ thấy nhất là việc tăng nhanh - giảm chậm; tăng nhiều - giảm ít.
Quỹ bình ổn và thuế ảnh hưởng việc điều hành giá
Theo ý kiến của ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), việc chưa thực hiện thành công hoàn toàn chuyển đổi kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường là do cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn để điều hành.
“Việc nhà nước vẫn sử dụng công cụ bình ổn giá, giá bán không điều tiết theo thị trường nên dư luận đặt nhiều câu hỏi đối với việc thực hiện Nghị định 84. Hơn nữa, nếu 6 tháng đầu năm giảm thuế để ổn định giá thì khi giá thế giới giảm, trong nước lại phải tăng thuế, do đó giá xăng dầu trong nước cũng không phản ánh giá thị trường thế giới” - ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.
Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, không thể áp dụng một chính sách thuế cứng cho mặt hàng xăng dầu. Việc điều hành thuế, phí và quản lý giá xăng dầu thời gian qua đã đảm bảo được nhiều mục tiêu cùng lúc, đó là vừa ổn định được giá với mức giá giảm, phù hợp với sức chịu đựng của người dân nhưng cũng đảm bảo được nguyên tắc của thị trường là có tăng, có giảm.
“Nếu chúng ta đưa vào một khung thuế cứng áp dụng cho mặt hàng xăng dầu thì sau này điều hành rất khó để tính toán. Luật thuế xuất nhập khẩu đã có khung thuế do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cam kết với WTO từ 0 - 40%. Khi gia nhập WTO, chúng ta đã cam kết sẽ áp mức thuế suất tương đối và thực hiện nhịp nhàng. Cam kết này cũng là một cơ hội để sử dụng công cụ thuế, chẳng hạn khi giá tăng hoặc giảm chúng ta sử dụng tỷ lệ % nào đó để có thể tác động vào giá bán - mục tiêu để thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo mức giá hợp lý nhất” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng phải thừa nhận, NĐ 84 còn một số bất cập cần phải được nghiên cứu sửa đổi, trong đó có việc quy định chu kỳ tính giá cơ sở tối thiểu 30 ngày, hay quy định tối thiểu 10 ngày doanh nghiệp mới được tăng giá.
Đồng quan điểm quy định này có vướng mắc, không đảm bảo tiêu chí thị trường, song ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, điều này còn liên quan đến vấn đề dự trữ, lưu thông và phân phối.
“Chúng ta cần giải bài toán làm sao để làm được 2 việc: Thứ nhất là phải dự trữ đủ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng. Tình hình kinh tế càng ổn định thì chúng ta càng có điều kiện để giảm, tình hình càng phức tạp thì càng phải tăng dự trữ. Hai nữa là kinh tế đất nước càng mạnh khỏe thì dự trữ của nhà nước càng nhiều hơn để giảm dự trữ cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Cẩm Tú lý giải.
Chính vì việc phải cân nhắc hài hòa quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên ở nhiều thời điểm, mặc dù giá xăng, dầu hiện hành xuống thấp hơn giá cơ sở, liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn phải thống nhất giữ ổn định giá bán ra, đồng thời sử dụng Quỹ Bình ổn cho cho xăng, dầu nhằm hạn chế áp lực tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác.
Điều hành linh hoạt cách tính thuế
Cho đến thời điểm này, mặc dù Bộ Công thương cho biết đã hoàn tất báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu về việc rà soát NĐ 84. Tuy nhiên, chỉ riêng những quan điểm trái ngược nhau trong sử dụng công cụ thuế nhập khẩu xăng dầu để điều tiết giá thời gian qua, đã cho thấy những lúng túng trong cách điều hành của cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó, việc lạm dụng “quỹ bình ổn giá xăng dầu” cũng là nút thắt trong nỗ lực đưa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Trong bối cảnh điều hành cùng lúc phải đạt được nhiều mục tiêu đối với mặt hàng xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrolimex cho rằng, muốn giá xăng dầu trong nước bắt nhịp được với giá thế giới, điều tiên quyết trong điều hành là phải ổn định thuế.
“Chúng ta phải thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 84 - tức là phải ổn định thuế. Nếu ổn định được thuế thì dù có chu kỳ tính giá 30 ngày cũng chỉ tăng 1 chiều và sau đó giá sẽ giảm đúng theo trình tự thời gian. Nếu không đánh giá kỹ việc ổn định thuế thì dù có sửa đổi nghị định về giá xăng dầu, một thời gian sau cũng sẽ lại ghi nhận được việc tăng nhanh - giảm chậm” - ông Bùi Ngọc Bảo nhận định.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, trước khi quyết định sửa đổi NĐ 84, cần phải đưa nó vào thực hiện một cách nghiêm túc. Việc ban hành 3 năm nhưng triển khai thực tế chỉ trong 2 tháng, với những cách thức điều hành còn lúng túng như hiện nay, nếu cứ nghiên cứu, sửa đổi theo chủ quan của nhà quản lý, sẽ không có tác dụng.
Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ rõ, trong thời gian tới, chính sách điều hành xăng dầu cần phải linh hoạt, cụ thể là cần tính phương án giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ thị trường và người tiêu dùng. Việc áp mức thuế nhập khẩu cao là trong điều kiện nền kinh tế đang thuận lợi, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức 12% là quá cao. Trên thực tế, có thời điểm đầu năm 2012, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, mức thuế nhập khẩu xăng dầu đã từng được áp dụng ở mức 0%.
Trong khi Chính phủ và Quốc hội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp giãn, miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, thì việc giữ thuế nhập khẩu đẩy giá xăng dầu lên cao vừa tăng khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, vừa đẩy lạm phát tăng cao./.
VOV