Tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững

Cập nhật ngày: 01/10/2024 14:59:58

ĐTO - Thực hiện Chỉ thị số 6656/CT-BNN-TT ngày 9/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để việc quản lý sức khỏe đất trồng trọt được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tập trung triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Chỉ thị số 6656/CT-BNN-TT nêu trên; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất và cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực trồng trọt.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp UBND huyện, thành phố tiếp tục triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2022 về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 17/1/ 2023 về thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2030 và lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh và cơ quan nghiên cứu trong việc đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

UBND huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững; vận dụng các nguồn lực thực hiện đánh giá tính chất lý, hóa học; xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa theo định kỳ 5 năm/lần theo quy định; triển khai thực hiện thí điểm, nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững đối với cây trồng chủ lực tại một số vùng sản xuất tập trung…

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn