Tạo sức sống mới cho ngành hàng lúa gạo
Cập nhật ngày: 15/10/2024 23:01:33
ĐTO - Chiều ngày 15/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án)
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Báo cáo kết quả qua 1 năm triển khai Đề án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, năm 2024, Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ hè – thu năm 2024 đã báo cáo với kết quả đạt rất tích cực khi giảm chi phí 20-30% (giảm giống, phân, thuốc); tăng năng suất 10%; tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25%. Đặc biệt giảm trung bình 5-6 tấn CO2 tương đương/ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200 - 300 đồng/kg.
Với kết quả khả quan bước đầu của các mô hình thí điểm, sự phấn khởi và đồng tình ủng hộ của nhiều hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) trồng lúa trong khu vực, Bộ NN&PTNT đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải trên toàn bộ 12 tỉnh và áp dụng ngay trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 - 2025.
Quang cảnh hội nghị
Thực hiện mô hình thí điểm Đề án, tỉnh Đồng Tháp triển khai xây dựng với quy mô 50ha/24 hộ nông dân tham gia tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, thuộc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi trong 3 vụ: từ vụ thu đông 2024 đến hè thu 2025. Mô hình ứng dụng đồng bộ các giải pháp theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt ban hành. Qua đó, giúp người trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, tăng cơ hội liên kết bền vững. Đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả vụ thứ nhất đã giảm 4,92 tấn CO2 tương đương/ha.
Bên cạnh những thuận lợi, trong triển khai Đề án còn những khó khăn như: nông dân quen với phương thức canh tác lúa truyền thống thiếu bền vững, thiếu liên kết; hạ tầng cho tưới tiêu chủ động, cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp chưa được đồng bộ trên quy mô vùng; việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay không theo kịp tiến độ triển khai Đề án…
Đồng Tháp thực hiện mô hình thí điểm Đề án tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai Đề án.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Đề án và kết quả bước đầu đạt được đáng khích lệ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án, nhất là việc theo dõi, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính định hướng 5 nội dung các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện trong thời gian tới: Cần “thổi hồn” vào cây lúa bằng công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; yêu quý cây lúa như bản thân mình từ đó mới tạo được cuộc cách mạng vùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung; đa dạng hóa huy động nguồn lực, xóa bỏ cơ chế xin cho, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà; phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trước tiên tính tự lực tự cường của địa phương; có cơ chế chính sách huy động người nông dân, doanh nghiệp tham gia.
Đối với nhiệm vụ và giải pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa; ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao; cần có cơ chế, chính sách phải ưu đãi trong thực hiện phù hợp. Huy động nguồn vốn, bố trí nguồn lực hiệu quả; tập trung phát triển, kết nối thị trường lúa gạo trong và ngoài nước; phát thải thấp, giảm phát thải khí metan, bán tín chỉ carbon; phát triển các doanh nghiệp kết nối với địa phương, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh và nông dân; tập hợp, huy động sức mạnh của Nhân dân trong thực hiện Đề án…
Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Đề án). Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án chia làm 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp; giai đoạn 2 (2026 - 2030), tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
|
MN