Thu mua lương thực tạm trữ
Cần nhiều giải pháp căn cơ

Cập nhật ngày: 04/03/2013 13:11:44

Từ ngày 20/2/2013, thực hiện chính sách thu mua 1 triệu tấn gạo hỗ trợ giá cho nông dân, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã đi được gần một nửa chặng đường. Nhờ chính sách này, giá lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tăng lên. Song, do thời điểm thu mua, giá sàn, sản lượng thu mua và công tác thông tin chưa sát với điều kiện thực tế nên nông dân vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách này.


Sau khi triển khai mua tạm trữ lúa, ngày 1/3, nông dân xã Vĩnh Thới,
huyện Lai Vung bán được giá 4.300 đồng/kg

Sau 13 ngày tiến hành thu mua tạm trữ, giá lúa đã nhích lên chút ít. Cụ thể, giá lúa tươi hạt dài mua ngoài đồng dao động từ 4.600-4.900 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với trước Tết. Mặc dù, giá lúa lên song trên thực tế, nhiều nơi người nông dân không được hưởng lợi nhiều. Theo phản ánh của nông dân xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, hiện nay, lúa khô IR 50404 có giá từ 4.800-5.000 đồng/kg, còn giá lúa tươi phổ biến ở mức 4.250-4.300 đồng/kg. Mức tăng không đáng kể và cũng chưa đảm bảo để nông dân lãi 30% theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Thực tế đã và đang chỉ ra rằng, hiệu quả của việc thực hiện mua tạm trữ lúa gạo tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt như mong muốn do còn bất cập về giá cả, thời điểm thu mua và số lượng lúa gạo thu mua tạm trữ. Đặc biệt, nhiều nơi nông dân không có điều kiện bán lúa trực tiếp cho các doanh nghiệp mà phải qua trung gian thương lái với giá khá rẻ nên chưa đảm bảo được lợi nhuận từ 30% trên giá thành sản xuất trở lên.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức tốt mạng lưới thu mua lúa, gạo tạm trữ đến tận người dân. Công tác thông tin về các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cũng còn rất hạn chế từ phía VFA. Do thiếu thông tin nên chính quyền các địa phương khó quản lý và hỗ trợ việc thu mua trạm trữ lúa gạo của các doanh nghiệp tại địa bàn. Nông dân càng “mù mờ” hơn khi không biết doanh nghiệp nào mua tạm trữ, tiến độ mua thế nào, giá cả bao nhiêu... nên khó có thể bán lúa gạo trực tiếp cho doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả tạm trữ lúa gạo, ngành nông nghiệp một số tỉnh ĐBSCL cho rằng, trước mắt việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo như hiện nay là cần thiết, tuy nhiên, phải chú ý thời điểm thu mua, giá sàn, sản lượng thu mua và phải đẩy mạnh công tác thông tin mới đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất. Về lâu dài, tạm trữ cũng nên tiếp tục thực hiện nhưng cần đa dạng hình thức và tổ chức thực hiện một cách bài bản, căn cơ, ổn định dài hạn chứ không chỉ theo mùa vụ như hiện nay.

Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thời điểm triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ (20/2) cũng là lúc đã có 60% diện tích lúa trong tỉnh thu hoạch, nhiều nông dân đã bán lúa cho tiểu thương nên không còn hưởng lợi từ việc mua tạm trữ. Hơn nữa, khi triển khai mua trạm trữ, VFA cũng chậm cung cấp các thông tin về số lượng doanh nghiệp trên địa bàn được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ.

Thực tế đó đòi hỏi cần phải xác định thời điểm mua tạm trữ lúa gạo cho phù hợp đối với từng địa phương, có mức giá sàn thu mua và sản lượng thu mua phù hợp, đồng thời cần phối hợp chặt giữa VFA và chính quyền các địa phương. Việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ chỉ là vấn đề trước mắt, về lâu dài cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các cánh đồng mẫu lớn.

Tại hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL vừa qua, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng đã đến lúc phải thay đổi phương thức tạm trữ. Vì nếu cứ diễn biến như hiện nay, năm nào doanh nghiệp chờ công bố quyết định mua tạm trữ mới tiến hành mua vào. Ông Năng đề xuất cơ chế tạm trữ linh động gồm tạm trữ trong dân, HTX có quy mô lớn.

“Vấn đề hiện nay là cần có chính sách hợp lý để giúp bà con tiếp cận vốn để đầu tư tạm trữ mang lại hiệu quả cao. Không phải nông hộ nào cũng tạm trữ mà chỉ những người sản xuất lớn, những HTX tạm trữ sẽ hiệu quả hơn” - ông Năng nói.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thì về lâu dài không nhất thiết phải thu mua tạm trữ như hiện nay. Bởi theo kinh nghiệm thực tế của ông, đối với các doanh nghiệp thu mua lúa, khó khăn lớn nhất vẫn ở công đoạn sấy lúa. Bởi vậy, giải pháp cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư khâu ban đầu là một biện pháp hiệu quả để giảm bớt áp lực tạm trữ cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng: “Đã đến lúc tạm trữ là việc làm tất yếu của doanh nghiệp. Vì nếu doanh nghiệp không đầu tư vùng nguyên liệu, không đầu tư hệ thống sấy lúa thì dù có hợp đồng xuất khẩu cũng khó đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng của hạt gạo”.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn