Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn

Cập nhật ngày: 18/12/2024 06:04:20

Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 19/12/2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, giao các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố hàng năm ban hành các Kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp theo điều kiện thực tế của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTXNN theo định hướng phát triển bền vững. Đồng thời ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTXNN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia đưa HTXNN trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn.


Mô hình thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò). 
Ảnh Mỹ Nhân

Trên tinh thần xây dựng mô hình HTXNN hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng, địa phương lựa chọn 5 HTXNN tham gia mô hình. HTXNN Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) thành lập năm 1998, với 430 thành viên. Diện tích phục vụ 340ha, với 4 hoạt động dịch vụ. Thời gian qua Hợp tác xã (HTX) phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện 2 điểm trình diễn; xây dựng quy trình sản xuất 3G3T, 1P5G thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản xuất lúa theo hướng an toàn.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) hoạt động với quy mô toàn xã, diện tích phục vụ tưới tiêu là 1.150ha. HTX hoạt động với 11 dịch vụ, phục vụ trực tiếp cho hộ thành viên hoạt động ổn định. Đơn vị còn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, bón phân tự động chiếm 80% trên tổng diện tích. Riêng máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch đạt 100% diện tích. Nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thêm thu nhập.

Trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, HTX phát triển vùng lúa chất lượng cao 256ha, có 81ha sản xuất lúa an toàn, 30ha sản xuất lúa giống cung cấp cho thành viên của HTX. Tất cả các diện tích của HTX đều được tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX.

Bên cạnh đó, HTX luôn quan tâm và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới với dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Đồng thời thu gom vỏ, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và chú trọng tới việc trang bị bảo hộ lao động khi thực hiện pha chế, xịt thuốc... góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn cho sản xuất và bảo vệ sức khỏe người dân.

Được thành lập năm 2003, HTXNN Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình với 1.034 thành viên, diện tích phục vụ là 712ha, với 8 hoạt động dịch vụ. HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào cho bà con thành viên với giá rẻ hơn thị trường bên ngoài... Đồng thời, HTX còn xây dựng kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy, phát triển thêm dịch vụ tạm trữ, sấy lúa cho thành viên. Hệ thống tưới tiêu được bê tông hóa với tổng chiều dài gần 2km. HTX còn thực hiện dịch vụ sản xuất giá thể phân hữu cơ.

HTX Dịch vụ nông nghiệp số 2 Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) thành lập năm 1997, tổng diện tích phục vụ 1.950ha. HTX thực hiện 3 dịch vụ: tưới tiêu, hỗ trợ thành viên, liên kết sản xuất lúa. Thời gian qua, HTX xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hiện đại hướng tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục đích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đồng thời ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào các khâu sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu.

Thời gian qua, tỉnh còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTXNN và các thành viên HTX. Đồng thời hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện về đất đai cho HTX phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, hỗ trợ 11 HTX đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm với tổng kinh phí 43.750 triệu đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 35.000 triệu đồng, HTX đối ứng 8.750 triệu đồng. Các HTX chủ động hơn trong việc huy động nguồn vốn của thành viên, quỹ đầu tư phát triển của HTX để mở rộng sản xuất kinh doanh; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư thêm máy móc, thiết bị nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân; chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tăng cường ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành vào trong sản xuất và được người dân tích cực hưởng ứng.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo thuận lợi cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng; cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ phát triển HTXNN. Theo đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. Tính đến đầu tháng 12/2024, có 108 HTXNN có mã vùng trồng, 339 tổ hợp tác có mã vùng trồng, 18 hội quán có mã vùng trồng. Cấp mới 19 mã số cơ sở đóng gói được cấp mới (4 cơ sở đóng gói) xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đồng thời cấp cho 63 cơ sở với 6.895ha về giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên các loại cây trồng, trong đó có 54 cơ sở là loại hình kinh tế tập thể được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; hỗ trợ 28 lượt hồ sơ về thiết kế và bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp...

Y Du

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn