Chủ động phương án ứng phó mưa bão diện rộng, phòng, chống lũ lên nhanh kết hợp triều cường

Cập nhật ngày: 04/10/2024 12:48:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241004124959dt2-2.mp3

 

ĐTO - Thời tiết đang bước vào thời kỳ cao điểm ảnh hưởng của các cơn bão nên nhiều loại thiên tai như: giông, lốc xoáy, triều cường, ngập lụt, sạt lở bờ sông... sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trước tình hình này, các sở, ngành tỉnh và địa phương chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ tài sản, đảm bảo sản xuất an toàn.


Chủ tịch UBDN tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang, hàng đầu) đến kiểm tra tình hình phòng, chống lũ bảo vệ sản xuất ở ô bao số 9 xã An Hiệp, huyện Châu Thành

Thời tiết diễn biến bất thường

Từ đầu năm đến nay, trên biển Đông xuất hiện 4 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, nhưng đã gây ra 35 đợt mưa to kèm theo sấm sét, gió mạnh làm thiệt hại hoàn toàn 7 căn nhà, 1 nhà màng; tốc mái, xiêu vẹo 240 căn nhà, 4 phòng học; đổ ngã 7 trụ điện; đổ ngã 874ha lúa và 2,2ha hoa màu, gần 2.000 cây ăn trái... Ước tổng thiệt hại do giông lốc khoảng 10 tỷ đồng.

Đối với đợt ảnh hưởng mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp triều cường kỳ 15/8 âm lịch (ngày 29/9/2024), các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ, chưa ghi nhận thiệt hại. Một số đoạn trũng thấp nước tràn cục bộ đã được các địa phương chủ động gia cố khắc phục. Bên cạnh đó, do mưa lớn, kết hợp triều cường làm ngập các tuyến đường nội bộ một số cụm công nghiệp và tuyến đường trên địa bàn tỉnh...

Tại huyện Lai Vung, để ứng phó với triều cường dâng cao vào ngày 15/8 âm lịch vừa qua, các ngành, các cấp đã chủ động đảm bảo 35 đập dã chiến ngăn nước tại các vàm kênh; triển khai phương án gia cố nâng cao đê bao. Đồng thời kịp thời hỗ trợ gia cố đê bao cho tuyến kênh Cán Cờ, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu; củng cố các lực lượng xung kích của các địa phương nhằm ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra...

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo công tác xả lũ, kiểm soát xả lũ đối với các diện tích lúa thu đông đã thu hoạch; chỉ đạo các xã thành lập Ban Điều hành tiểu vùng sản xuất quản lý công tác xả lũ, có đại diện người trồng hoa màu, đại diện người làm vườn tham gia; tập trung bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, tuần tra kiểm soát các tuyến đê bao xung yếu, kịp thời gia cố nâng cao khi xảy ra sự cố, huy động máy bơm, trạm bơm điện để bơm tiêu thoát nước cho vườn cây ăn trái khi cần thiết; đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp thời đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả”.

Ông Huỳnh Minh Đường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, chia sẻ: “Thời gian qua, đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ kết hợp triều cường, tình hình thời tiết nguy hiểm; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản; tăng cường công tác cảnh báo, phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở về diễn biến mưa, lũ kết hợp triều cường, tình hình thời tiết nguy hiểm, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh...”.


Nông dân tại huyện Lai Vung chủ động ứng phó với nước lũ, triều cường dâng cao để đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp

Ứng phó mọi tình huống thời tiết

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, đỉnh lũ năm 2024 ở mức cao hơn năm 2023 khoảng 0,1 - 0,4m. Trong đó, khu vực đầu nguồn cao hơn năm 2023 khoảng 0,4m; khu vực nội đồng Tháp Mười cao hơn năm 2023 khoảng 0,3m; khu vực phía Nam cao hơn năm 2023 khoảng 0,1m. Khu vực đầu nguồn của tỉnh, mực nước sẽ tiếp tục lên dần và đạt đỉnh triều đợt 1/9 âm lịch (mực nước cao nhất tại Hồng Ngự ở mức 3,35m), sau đó biến đổi chậm trong những ngày giữa tháng, rồi tiếp tục lên và đạt đỉnh năm vào ngày 18 - 20/10, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn của tỉnh ở mức báo động cấp I, mực nước cao nhất năm tại Hồng Ngự ở mức 3,50m.

Khu vực phía Nam của tỉnh, mực nước đạt đỉnh triều đợt 1/9 âm lịch ở mức báo động cấp II - cấp III (mực nước Cao Lãnh ở mức 2,25m, thấp hơn đỉnh triều ngày 22/9 vừa qua là 10cm), rồi xuống chậm đến ngày 12/10, sau đó lên nhanh và đạt đỉnh triều cao nhất năm vào ngày 18 - 20/10; ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng từ 0,1 - 0,2m, mực nước cao nhất năm tại Cao Lãnh ở mức 2,45 - 2,55m...

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: “Thời gian tới, huyện tổ chức vận động người dân sản xuất lúa tranh thủ thu hoạch sớm để tránh mưa và nước lũ lên làm ảnh hưởng chất lượng lúa; tổ chức xả lũ có kiểm soát đối với diện tích lúa trên địa bàn nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái; thường xuyên phát các bản tin về mưa, triều cường trên Đài truyền thanh huyện để người dân nắm rõ thông tin. Đồng thời phân công, giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương trong đẩy nhanh tiến độ công trình thủy lợi; huy động các thiết bị sẵn sàng phục vụ ứng phó kịp thời các tình huống tràn đê bao...”.

Ông Huỳnh Minh Đường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết: “Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương chủ động xả lũ lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị mùa vụ mới; chủ động bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp triều cường gây ngập úng. Đồng thời tổ chức, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến cấp xã, ấp. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản khi có tình huống xảy ra...”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: “Các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố phải chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ kết hợp triều cường, tình hình thời tiết nguy hiểm; tăng cường công tác cảnh báo, phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến mưa, lũ kết hợp triều cường, tình hình thời tiết nguy hiểm, các phương án ứng phó để người dân biết và phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh. Các huyện, thành phố chủ động xả lũ có kiểm soát, lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng; chủ động bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo tổ chức bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp triều cường gây ngập úng...”.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến cấp xã, ấp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời có hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, rà soát, tu sửa kịp thời và có phương án bảo đảm an toàn các công trình đê bao bảo vệ sản xuất, dân cư, công trình phòng, chống thiên tai, đường giao thông, bến phà, công trình điện, thông tin liên lạc, trường học, cơ sở y tế...

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn