Đồng Tháp nỗ lực phục hồi hệ sinh thái, sẵn sàng cho sếu đầu đỏ “định cư” dài lâu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Cập nhật ngày: 07/12/2024 16:21:11
ĐTO - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đầu đỏ sinh sống và phát triển, gần gần 2 năm qua, một cuộc “cách mạng xanh” lặng lẽ diễn ra tại khu vực vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim. Những người nông dân khu vực vùng đệm của VQG Tràm Chim đã chuyển đổi sang canh tác lúa hữu cơ, chính quyền nỗ lực đầu tư phục hồi hệ sinh thái, tất cả vì một mục tiêu chung phục hồi lại hệ sinh thái VQG Tràm Chim để sếu đầu đỏ có nơi sinh sống, phát triển và gắn bó dài lâu tại quê hương Đồng Tháp.
Năng kim phục phục hồi mạnh mẽ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Trong suốt gần 2 năm qua, một cộng đồng nhỏ gồm ông Nguyễn Văn Mẫn ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông cùng các nông dân tại xã Phú Đức, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông đã cùng nhau kiến tạo một hành trình ý nghĩa. Những người nông dân này đã quyết định chuyển đổi sang canh tác lúa theo hướng hữu cơ, không chỉ vì sinh kế mà còn vì mong muốn trả lại cho thiên nhiên một vùng đất xanh tươi, nơi sếu đầu đỏ có thể an tâm phát triển. Hành động này không chỉ là sự lựa chọn của cá nhân mà còn là tấm lòng của cả cộng đồng đối với hệ sinh thái VQG Tràm Chim.
Ông Nguyễn Văn Mẫn ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông chia sẻ: “Khi nghe tin tỉnh triển khai Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032, tôi thấy phấn khởi trong lòng. Mấy năm nay, không thấy bóng dáng sếu đầu đỏ trở lại VQG Tràm Chim, lòng tôi cứ trĩu nặng. Tôi cảm giác như mất đi một người bạn thân thiết. Vì vậy, khi chính quyền kêu gọi chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ, tôi chẳng cần suy nghĩ mà đăng ký ngay. Tôi hy vọng, với cách làm này, môi trường sẽ trong lành hơn, thức ăn cho sếu cũng nhiều hơn. Mặc dù biết muốn khôi phục lại môi trường sống cho sếu không phải ngày một ngày hai, nhưng tôi tin rằng, với sự chung tay của bà con, rồi một ngày nào đó, tiếng kêu của sếu đầu đỏ sẽ lại vang vọng khắp vùng. Khi đó, những đứa cháu của tôi sẽ được tận mắt nhìn thấy loài chim quý hiếm này, chứ không phải nghe kể lại như những câu chuyện thời xưa nữa”.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Phú Đức huyện Tam thuộc khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim
Hiện tại, đề mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại khu vực vùng đệm VQG Tràm Chim, UBND huyện Tam Nông đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tuyên truyền vận động người dân nhân rộng diện tích canh tác lúa theo hướng hữu cơ, dự kiến trong năm 2025 huyện Tam Nông sẽ mở rộng diện tích khoảng 757,5 ha. Đồng thời, để chuỗi sản xuất bền vững hơn hiện địa phương cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia với nông dân hợp tác liên kết tạo vùng nguyên liệu lúa sạch. Đặc biệt, để nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo sản xuất theo hướng hữu cơ, huyện Tam Nông cũng đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho “Gạo Sếu Tam Nông”. Đây không đơn thuần là một nhãn hiệu gạo mà còn là tâm huyết và tấm lòng của chính quyền và người dân Tam Nông.
Song song với việc phục hồi hệ sinh thái khu vực vùng đệm VQG Tràm Chim, hơn 2 năm qua, hệ sinh thái trong khu vực vùng lõi VQG Tràm Chim cũng được phục hồi tích cực, nhất là các khu vực có bãi năng kim rộng lớn, nơi mà nhiều năm trước đây được sếu đầu đỏ chọn là bãi đáp để kiếm ăn.
Cánh đồng năng kim thuộc phân khu A4 được Vườn Quốc gia Tràm Chim phục hồi tích cực trong suốt 2 năm qua
Bãi năng kim thuộc khu vực Trạm bảo vệ Quyết Thắng, phân khu A4, VQG Tràm Chim, vốn là nơi cư trú ưa thích của sếu đầu đỏ, đã được hồi sinh đáng kể trong những năm gần đây. Nhờ sự can thiệp kịp thời của các chuyên gia và việc điều tiết thủy văn hợp lý, quần thể năng kim đã dần phục hồi. Quá trình trục xới đất đã giúp năng kim quang hợp hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho chúng nảy mầm và phát triển củ. Việc loại bỏ các loài thực vật cạnh tranh như năng ống đã tạo không gian sống lý tưởng cho năng kim phát triển.
Ông Đỗ Minh Chánh, nhân viên bảo vệ phụ trách trực tiếp khu vực Trạm bảo vệ Quyết Thắng, VQG Tràm Chim, chia sẻ rằng: “Sự phục hồi của năng kim là một tín hiệu vô cùng tích cực, mở ra hy vọng về việc sếu đầu đỏ sẽ sớm quay trở lại sinh sống tại VQG Tràm Chim”.
Ông Bùi Thanh Phong – Phó Giám đốc VQG Tràm Chim cho biết, công tác phục hồi hệ sinh thái tại VQG Tràm Chim đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cán bộ kỹ thuật đã triển khai nhiều giải pháp như: xới, trục phục hồi cánh đồng năng kim, nguồn thức ăn ưa thích của nhiều loài chim, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Bên cạnh đó, việc khôi phục sinh cảnh lúa ma và các khu vực ngập nước tự nhiên đã góp phần tái tạo lại môi trường sống đặc trưng của Đồng Tháp Mười. Nhờ những nỗ lực này, đa dạng sinh học tại VQG Tràm Chim đã được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật quý hiếm, đồng thời bảo tồn những giá trị di sản thiên nhiên độc đáo của vùng đất này”.
Với quyết tâm mang lại một môi trường sống lý tưởng cho sếu đầu đỏ, chính quyền và người dân Đồng Tháp đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái VQG Tràm Chim. Những kết quả đạt được trong thời gian qua rất đáng khích lệ. Sự xuất hiện trở lại của nhiều loài chim quý hiếm, đặc biệt là sếu, đã chứng tỏ rằng các hoạt động bảo tồn đang đi đúng hướng. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định sự thành công bước đầu của Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ giai đoạn 2022 - 2032. Thành công này không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học mà còn nâng cao giá trị của VQG Tràm Chim, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mỹ Lý